Sáng ngời tư tưởng Hồ Chí Minh về đền ơn đáp nghĩa

Thứ sáu - 03/06/2022 03:59
Phần I
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,
ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
-----
Sáng ngời tư tưởng Hồ Chí Minh về đền ơn đáp nghĩa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thương binh, bệnh binh và thân nhân các liệt sĩ tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Trong tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, Người đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Với tình cảm chân thành, lòng biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành “Thông cáo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” như một chính sách của Nhà nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm, lòng nhân ái của Người.
Khi được tin con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ, hy sinh, trong thư chia buồn, Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.
Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Người đã chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm “Ngày Thương binh”.
Một hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương, Khu và Tỉnh đã họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”; đến năm 1955, ngày 27/7 được đổi thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” và được tổ chức hằng năm trên cả nước.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày 27/7 là dịp tưởng nhớ và bày tỏ lòng tri ân với các thương binh, thân nhân và gia đình liệt sỹ, những người đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên quyết đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”.
Bác đã nêu một định nghĩa ngắn gọn, đầy đủ, sâu sắc, thấm được ân tình về thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt”.
Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sỹ và viếng các anh hùng liệt sỹ ở nghĩa trang. Người còn trích 1 tháng lương của mình tặng các thương binh. Ngay cả những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng, Bác đều tặng lại các thương binh. Người luôn khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”.
Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sỹ bị thương.
Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng)”.
Một lần, Bác đến thăm Trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm đó, trời nóng, khi đến thăm anh chị em thương binh nặng phải nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Trên đường về, Bác rất xúc động. Chiếc điều hòa nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao đang công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó, Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền. Ngôi nhà do trần thấp nên buổi trưa và buổi chiều rất nóng. Khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hoà nhiệt độ vào phòng, Bác không dùng mà nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước, Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”. Ngay chiều hôm đó, chiếc máy điều hoà nhiệt độ trong phòng của Bác được chuyển đi.
Trước lúc đi xa, Người gửi gắm những mong muốn của mình trong Di chúc: “Đầu tiên là công việc với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ), người có công với nước mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Nguồn gốc làm nên tư tưởng về sự kính trọng, lòng biết ơn vô bờ bến, sự quan tâm, đền đáp ơn nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với đất nước chính là chủ nghĩa nhân văn-tình yêu thương con người của Bác. Tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh là tình cảm quý trọng, quan tâm và chăm lo cuộc sống của con người, của nhân dân.
Đến nay, tư tưởng của Bác Hồ kính yêu đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ nâng cao nhận thức cho các thế hệ tiếp sau mà còn được phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày bằng những công việc cụ thể đối với những người đã “làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Sáu mươi sáu năm đã qua, từ khi có “Ngày Thương binh-Liệt sĩ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” theo tấm gương đạo đức của Người đã phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào đã và đang tạo luồng sinh khí mới cho sự đồng thuận xã hội, cho đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh đúng như mong muốn của Người.
Theo Báo điện tử Chính phủ
Phần II
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN TRONG THÁNG 7/2022
-----
I. Định hướng công tác tuyên truyền tháng 7/2022
Trong tháng 7/2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở tập trung tuyên truyền một số nội dung chủ yếu sau:
- Kết quả và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và chuyên toàn khóa Đại hội XIII gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
- Kết quả Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
- Kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV
- Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 24/4/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ về lãnh đạo tổ chức Đại hội Công đoàn cơ sở, tiến tới Đại hội Công đoàn thành phố Tam Kỳ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Tam Kỳ
- Nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
- Chủ quyền biển, đảo Việt Nam, về công tác biên giới trên đất liền, về Luật An ninh mạng và một số luật mới ban hành.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.  
 - Tổ chức tuyên truyền ý nghĩa của các ngày lễ kỷ niệm như: Kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2022); 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022); 35 năm Ngày Dân số thế giới (11/7/1987 - 11/7/2022); 72 năm Ngày Truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15/7/1950 - 15/7/2022); 68 năm Ngày ký Hiệp định Gernever về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương (20/7/1954 - 20/7/2022); 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2022) và 27 năm Ngày Việt Nam trở thành thành viên ASEAN; 92 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2022), ....
  II. Đề cương tuyên truyền
 Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022)
1. Hoàn cảnh ra đời
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần “.... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.
Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành Hội Giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.
Ngày 28/5/1946, Hội Giúp binh sĩ bị thương tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội để kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự. 
Ngày 17/11/1946, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sỹ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19 tháng 12 năm 1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. 
Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều quyết định với những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sỹ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ. 
Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh, liệt sĩ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ. 
Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” của cả nước.
Mỗi năm cứ đến “Ngày Thương binh, liệt sĩ” nhất là vào dịp kỷ niệm năm tròn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
2. Ý nghĩa của Ngày Thương binh, liệt sĩ
 Ngày Thương binh, liệt sĩ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là: 
- Truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
- Tôn vinh các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh và người có công; khẳng định sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau.
- Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc; đồng thời cũng luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. 
3. Đẩy mạnh công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trong giai đoạn hiện nay 
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua đã xác định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đến ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”. Để đạt được mục tiêu này, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Các cấp, các ngành cần chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu đãi khác về kinh tế - xã hội đối với người có công, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và con em của họ; giúp đỡ thiết thực về vật chất và tinh thần đối với các đối tượng chính sách, nhất là đối tượng còn nhiều khó khan. Nhà nước và xã hội, đảm bảo người có công và gia đình có mức sống trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các chính sách ưu đãi đối với người có công cho phù hợp với tình hình của đất nước. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch mọi chính sách về người có công.
- Làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ, thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng. Tiến hành sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; qua đó thúc đẩy các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", “Toàn dân chăm sóc người có công với nước” phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực; đồng thời biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh và người có công tiêu biểu.
- Đẩy mạnh và thực hiện tốt việc lập, xét duyệt hồ sơ thường xuyên; tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, nhất là những hồ sơ đã được xác lập trong những giai đoạn trước đây nhưng chưa được xem xét giải quyết do chưa bảo đảm thủ tục, coi đây là nhiệm vụ quan trọng.  
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước với phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”.
- Đẩy mạnh tuyên truyền truyền thống yêu nước và đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ và những người có công với nước; biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Khẩu hiệu tuyên truyền
----
1. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ!
2. Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022)!
3. Nêu cao đạo lý ”Uống nước nhớ nguồn”, ”Đền ơn đáp nghĩa”!
4. Đẩy mạnh các hoạt động ”Đền ơn đáp nghĩa” hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022)!
5. Chào mừng 92 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2022)!
6. Chào mừng 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2022)!
7. Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI!
8. Đảng bộ và Nhân dân thành phố Tam Kỳ ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022!
9. Cán bộ và Nhân dân Thành phố Tam Kỳ đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh!
10. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, Đảng bộ và Nhân dân Tam Kỳ quyết tâm xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc!
11. Kế tục trung thành sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững bước đi lên chủ nghã xã hội!
12. Đảng ta là đạo đức,là văn minh!
13. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định nguyên tắc xây dựng Đảng!
14. Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn!
15. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
16Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
17.  Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
18.  Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

Tác giả bài viết: Văn phòng Thành đoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu chung

Thông tin cán bộ thường trực

1. Đ/c Nguyễn Thị Ly:  Bí thư - Chủ tịch Hội LHTNVN thành phố - Điện thoại: 0905 789 725 2. Đ/c Lương Thị Nhẫn - Phó Bí thư Thành đoàn - Điện thoại: 0389937329 3. Đ/c Trương Đức Long: Ủy viên Ban thường vụ  - Điện thoại: 0362 385 447 4. Đ/c Nguyễn Thị Thúy: Ủy viên Ban thường...

ytst
Văn bản pháp quy

02

Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 02.2023

Thời gian đăng: 01/02/2023

lượt xem: 642 | lượt tải:226

01

Tài liệu Sinh hoạt Chi đoàn tháng 01.2023

Thời gian đăng: 01/02/2023

lượt xem: 662 | lượt tải:249

Tài liệu

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 10 Năm 2022

Thời gian đăng: 05/10/2022

lượt xem: 932 | lượt tải:219

Tài liệu

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 9 Năm 2022

Thời gian đăng: 04/10/2022

lượt xem: 838 | lượt tải:227

Tài Liệu

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 8 Năm 2022

Thời gian đăng: 04/10/2022

lượt xem: 664 | lượt tải:230
Di chúc Bác
Học tập
viec lam
học nghề
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,846
  • Tháng hiện tại7,178
  • Tổng lượt truy cập5,299,470
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây