Phần I
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,
ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
-----
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác bồi dưỡng thanh niên
1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về thanh niên
Hồ Chí Minh cho rằng, thanh niên là lớp người trẻ tuổi, có hoài bão, ước mơ, giàu nghị lực và rất khát khao với lý tưởng cao đẹp, có đức xả thân vì nghĩa lớn và lòng vị tha sâu sắc. Đó là lứa tuổi có tính nhạy cảm cao với những cái mới, cái đẹp và cái tiến bộ. Do vậy, nếu được giáo dục tốt, phù hợp với tâm lý và tính cách, một sự giáo dục tiến hành trên cơ sở tạo ra những điều kiện vật chất, tinh thần cho sự phát triển của tâm lý, tính cách đó, và biết định hướng, động viên đúng mức thanh niên sẽ say sưa với lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa.
Trong thư “Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc” (1946), Hồ Chí Minh viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.”. Ở đây, Người đã chỉ ra tuổi thanh niên là thời kỳ đẹp nhất, sống động nhất, như mùa xuân trăm hoa đua nở, tràn đầy nhựa sống. Đó là hình ảnh nói lên sức trẻ có thể đào núi lấp biển, mà cả dân tộc luôn kỳ vọng, tin yêu.
Trong nhiều bài nói, bài viết khác, mỗi khi đề cập tới thanh niên, Hồ Chí Minh cho rằng thanh niên là lớp người trẻ tuổi, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, nhưng còn thiếu kinh nghiệm do chưa từng trải, cần phải được xã hội quan tâm, chăm sóc, vun trồng để họ trở thành người công dân hữu ích cho đất nước. Khi nói về thanh niên với tính chất là một lực lượng xã hội, Hồ Chí Minh đã xác định, thanh niên là công dân của nước Việt Nam. Đó là lực lượng đông đảo, luôn hăng hái xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, và có khả năng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Ở một số bài nói, bài viết, Hồ Chí Minh chỉ rõ, thanh niên là nguồn xung lực mạnh mẽ của đất nước; là lực lượng quan trọng của cách mạng.
Như vậy, khi nói về thanh niên, Hồ Chí Minh đều cho rằng, thanh niên là một lực lượng năng động, sáng tạo, giàu nghị lực, có lý tưởng cao đẹp, có thể đảm trách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, gian khổ khi cách mạng giao phó.
2. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thanh niên
Bồi dưỡng thanh niên một cách toàn diện
Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên
Bồi dưỡng thanh niên có nhận thức đúng đắn về Chủ nghĩa xã hội, nâng cao ý chí phấn đấu vì lý tưởng cao cả là độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta:
Lý tưởng cao đẹp mà chúng ta đang phấn đấu thực hiện đã được Hồ Chí Minh xác định khi gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản, khi kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng độc lập dân tộc, tự do và chủ nghĩa xã hội đã trở thành niềm tin, lẽ sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Có giác ngộ lý tưởng cách mạng, thanh niên mới đảm đương được sứ mệnh đưa lá cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.
Giáo dục thanh niên thấm nhuần sâu sắc lý tưởng giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc:
Lý tưởng của Hồ Chí Minh hướng tới mang tư tưởng nhân văn, cách mạng của giai cấp công nhân và những người lao động, lấy hạnh phúc của con người làm nguyên tắc cao nhất. Người trả lời: Học “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”. Đây chính là lý tưởng phấn đấu của thanh niên trong điều kiện mới.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Trong mối quan hệ “đức” – “tài”, Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa quyết định của việc xây dựng con người mới. Người yêu cầu thanh niên phải học tập, trau dồi đạo đức cách mạng. Bởi vì: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.
Hồ Chí Minh đã nêu lên những nội dung cụ thể về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên như sau: (1) Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và hiếu với nhân dân; (2) Đạo đức cách mạng là ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và khiêm tốn, giản dị; (3) Đạo đức cách mạng là tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trí tuệ của tập thể, của nhân dân và kiên quyết đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.
Nâng cao và phát triển trình độ văn hóa, kỹ thuật và nghề nghiệp cho thanh niên
'Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Chính vì thế, Hồ Chí Minh thường căn dặn thanh niên phải "ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân". Vì thế, thanh niên phải học nữa, học mãi, bởi vì, "nếu không chịu khó học tập thì không tiến bộ. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình".
Để việc học tập văn hóa, kỹ thuật và nghề nghiệp đạt hiệu quả tốt, Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi thanh niên phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn.
Người cho rằng, học tập là công việc suốt đời của mỗi thanh niên, tấm gương học tập và những điều dạy bảo của Người là bài học cho thanh niên nước ta noi theo, làm theo.
Tăng cường sức khỏe và thể chất cho thanh niên
Người căn dặn đoàn viên thanh niên: “Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”.
3. Phương châm, phương pháp bồi dưỡng thanh niên
Quán triệt nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục gắn với lao động sản xuất
Học đi đôi với hành: Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích giáo dục của mọi thời đại không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn biết áp dụng kiến thức vào trong thực tiễn, hình thành kỹ năng, kỹ xảo hoạt động; học để biết, học để làm. Người khuyên thanh niên: Phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.
Lý luận liên hệ với thực tiễn: Theo Hồ Chí Minh, huấn luyện lý luận có hai cách: Một cách là chỉ đem lý luận khô khan nhét vào cho đầy óc rồi bày cho họ biết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Theo Người: “Người biết lý luận mà không thực hành thì cũng vô ích…Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp váp”.
Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất: Một nguyên tắc giáo dục quan trọng cho học sinh trong mọi thời đại là giáo dục cho lao động và bằng lao động. Lao động sản xuất vừa là môi trường, vừa là phương tiện giáo dục con người. Mọi phẩm chất nhân cách được hình thành trong lao động và trong hoạt động xã hội. Do vậy, tùy theo trình độ, lứa tuổi và ngành, nghề đào tạo mà các trường vận dụng tư tưởng này một cách sáng tạo để giáo dục cho hiệu quả.
Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Người cũng cho rằng: “Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Từ đó, Người khuyên chúng ta phải kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.
Xây dựng môi trường bình đẳng, dân chủ trong giáo dục để thanh niên phát huy tài năng
Bình đẳng trong giáo dục: “Ai cũng được học hành” là một trong những tư tưởng quan trọng nhất trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. “Ai cũng được học hành” thể hiện mong ước ai cũng được học hành không phân biệt trai – gái, giàu – nghèo, già – trẻ,…và suốt đời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn phấn đấu vì mục tiêu duy nhất đó là vì con người.
Dân chủ trong giáo dục: Đây là nguyên tắc được chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, bởi vì theo người, muốn thực hiện dân chủ phải làm cho mọi người nhận thức về quyền hưởng dân chủ, nghĩa vụ đối với việc thực hiện quyền dân chủ và một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên để thực hiện quyền dân chủ là giáo dục con người về dân chủ ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường – biểu hiện quyền và nghĩa vụ được học tập.
Đa dạng hóa trong giáo dục và quản lý tốt công tác giáo dục trong thanh niên
Đa dạng hóa trong giáo dục: Theo Hồ Chí Minh, giáo dục phải thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm tạo cơ hội học tập cho mỗi thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện.
Quản lý tốt công tác giáo dục: Hoạt động quản lý giáo dục có tác dụng làm cho các bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục vận hành đúng mục đích, cân đối, hài hòa làm cho hoạt động toàn hệ thống đạt hiệu quả cao.
Tập hợp thanh niên trong các tổ chức đoàn thể để bồi dưỡng và phát triển
Tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh và Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng là đoàn kết, tập hợp thật rộng rãi các tầng lớp thanh niên vào các loại hình tổ chức thích hợp. Nhiều năm qua, các tổ chức Đoàn, tổ chức hội kết hợp với các tổ chức xã hội khác đã tập hợp thanh niên đi vào những mũi nhọn của cuộc sống sản xuất và chiến đấu, tổ chức nhận những công trình thanh niên cộng sản. Đặc biệt, lực lượng thanh niên xung phong làm kinh tế do Đoàn thanh niên tổ chức, qua nhiều năm tồn tại và phát triển đã bước đầu khẳng định hướng đi đúng trong việc tập hợp thanh niên. Các cấp đoàn, hội đã kết hợp với nhà trường xây dựng và thu hút thanh niên tham gia các phong trào: học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp; vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bồi dưỡng thế hệ trẻ phải thực hiện phương pháp nêu gương
Người cho rằng người thầy giáo phải làm kiểu mẫu cho học trò. Đồng thời, Người còn nhắc nhở thanh niên luôn luôn trân trọng, lắng nghe, tìm hiểu, suy ngẫm các gương tốt, ý hay của nhân dân.
Phát huy ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi thanh niên
Người thường xuyên nhắc nhở thanh niên phải tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình thành những người vừa có đạo đức tốt, vừa có trình độ văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn để có thể nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Người nói: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình”. Người quan niệm, về cách học, phải lấy tự học làm cốt.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thanh niên là những quan điểm vừa mang tính cách mạng, tính khoa học và thấm đượm triết lý nhân văn sâu sắc. Đó là cơ sở tư tưởng và lý luận để chúng ta vạch ra chiến lược giáo dục, bồi dưỡng thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XXI nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn Trang Thông tin điện tử
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
Phần II
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN TRONG THÁNG 03/2022
-----
I. Định hướng công tác tuyên truyền tháng 03/2022
- Kết quả và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và chuyên đề năm 2021 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
- Kết quả Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
- Kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV
- Chủ quyền biển, đảo Việt Nam, về công tác biên giới trên đất liền, về Luật An ninh mạng và một số luật mới ban hành.
- Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 02/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ về lãnh đạo tổ chức Đại hội Đại biểu Cựu Chiến binh thành phố Tam Kỳ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.
- Tổ chức tuyên truyền ý nghĩa của các ngày lễ kỷ niệm như: Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28/3/1930-28/3/2022); Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2022); kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1982 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2022).
II. Đề cương tuyên truyền
1. Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 92 ngày thành lập Đảng bộ Tỉnh Quảng Nam (28/3/1930 – 28/3/2021)
-------
Quảng Nam là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, với truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần bất khuất. Vùng đất Quảng Nam đã sản sinh ra các chí sĩ, hào kiệt, anh tài như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Nguyễn Thành, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu... Người Quảng Nam không bao giờ khuất phục kẻ thù để sống nô lệ, không chịu khoanh tay ngồi nhìn trước cảnh nước mất, nhà tan, đã vùng dậy đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược để giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Ở vùng đất được coi là nơi "đầu sóng ngọn gió", người dân Xứ Quảng luôn khẳng định là những người "tận trung với nước", "trung dũng, kiên cường", "hành động sáng tỏ".
Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản đã họp ở Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị đã thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức tiền thân là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời.
Ở Quảng Nam-Đà Nẵng, sau khi nghe phái viên của Đảng Cộng sản Việt Nam báo tin thắng lợi của Hội nghị Cửu Long, phổ biến Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Quảng Nam nhất trí thực hiện chủ trương hợp nhất của Trung ương Đảng.
Ngày 28/3/1930, tại địa điểm Cây Thông Một, xã Cẩm Hà ( nay thuộc khối phố Tân Thanh, phường Tân An, thành phố Hội An), Ban chấp hành lâm thời Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam ra Thông cáo về việc thành lập Đảng bộ và công bố từ nay chỉ có một Đảng Cộng sản duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đường cho công, nông, binh, nhân dân lao động bị áp bức đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thông cáo nêu rõ: "... phong trào cộng sản ở nước ta phát triển qua một con đường mới, tức là Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập, Đảng của thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ bị áp bức bóc lột ở nước ta". Đề cập sự thống nhất về chính trị, tư tưởng của phong trào cách mạng trong tỉnh sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, bản Thông cáo viết: "Phong trào cộng sản tỉnh Quảng Nam ta cùng xu hướng chung của cả nước, nó phát triển trên cơ sở đấu tranh của vô sản dân cày và những người bị áp bức trong tỉnh". Ban chấp hành lâm thời của Đảng bộ tỉnh gồm các đồng chí: Phan Văn Định, Phạm Thâm, Nguyễn Thái; đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư, đồng chí Phạm Thái làm Phó Bí thư. Về sau, Xứ ủy tăng cường thêm 3 cán bộ tham gia vào Tỉnh ủy, đồng chí Phan Văn Định đề cử đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư vì đồng chí Phạm Thâm có điều kiện đi lại hoạt động ở nông thôn, sâu sát phong trào hơn.
Sau khi Đảng bộ tỉnh ra đời, Tỉnh ủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh để lựa chọn những người ưu tú kết nạp vào Đảng, xây dựng, củng cố các tổ chức của Đảng. Tỉnh ủy phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách các địa phương để tuyên truyền, kết nạp đảng viên và thành lập các tổ chức Đảng ở các phủ, huyện trong tỉnh. Tại Đà Nẵng, Thị ủy lâm thời do Xứ ủy lập ra trước đây vẫn còn giữ nguyên nhưng phát triển thêm nhiều đảng viên mới, lập thêm 01 chi bộ mới 5 người, Nguyễn Sơn Trà làm Bí thư đã tổ chức cơ sở nông hội trong hỏa xa, nhà đèn, bưu điện. Tại Hội An, nơi Tỉnh ủy lâm thời đóng cơ quan đã hình thành được 2 chi bộ, có 11 đảng viên. Tại Điện Bàn, sau khi Đảng bộ tỉnh thành lập đã có 01 chi bộ Đảng và đến tháng 9/1930, đã phát triển thành 2 chi bộ. Tại Đại Lộc, hình thành 2 nhóm: một nhóm ở tổng Đức Hạ và một nhóm ở tổng Đại An, có 4 đảng viên. Tại Duy Xuyên, đến tháng 10/1930 có 29 đảng viên, tổ chức thành 5 chi bộ. Các tổ chức nông hội, cứu tế đỏ phát triển. Tại Quế Sơn, lập Chi bộ Nghi Trung và Nghi Hạ. Tại Tam Kỳ, một chi bộ Đảng được thành lập tại Chùa Ông vào tháng 5/1930.
Đảng bộ tỉnh Quảng Nam từ khi ra đời đến cuối năm 1930, phát triển được 70 đảng viên. Nếu tính cả đảng viên ở Đà Nẵng thì có 80 đảng viên. Hàng trăm quần chúng trung kiên được kết nạp vào Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ. Chúng ta còn vận động nhiều lực lượng quần chúng khác tham gia, ngay đến cả những người phục vụ trong tòa Công sứ Pháp tại Hội An.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là tiền đề quan trọng dẫn đến sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam, đưa phong trào cách mạng địa phương bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ đấu tranh dân tộc, dân chủ theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân và những đảng viên cộng sản ở Quảng Nam; đặc biệt là những đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng bộ đã nhạy bén trong việc nắm bắt chủ trương và kịp thời chuyển hướng để thành lập Đảng bộ. Sự kiện này đã giải quyết được sự khủng hoảng về đường lối của các phong trào yêu nước diễn ra vào đầu thế kỷ XX; dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, đề ra những chủ trương thích hợp, sát đúng, nhờ đó đã lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
2. Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2022)
-----
2.1. Khái quát tình hình chiến trường Quảng Nam, Tam Kỳ trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)
Năm 1954, đế quốc Mỹ cấu kết với thực dân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam, tiến hành xâm lược nước ta trên quy mô lớn. Cùng với cả nước, quân dân Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh bảo vệ Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ thành quả cách mạng. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra với hàng vạn người xuống đường tham gia đấu tranh, buộc chúng phải thi hành Hiệp định Giơnevơ, thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Song chúng vẫn ngoan cố, tiếp tục đàn áp, bắn giết, tra tấn, tù đày đồng bào ta khắp nơi trong tỉnh. Trong đó có những vụ tàn sát dã man như: Vĩnh Trinh, Cây Cốc, Chợ Được, Miếu trắng - Chiên Đàn, Rừng cấm Khánh Thọ...Nhưng bằng dũng khí kiên trung bất khuất, đồng bào ta kiên quyết đấu tranh, làm cho địch hoang mang, hoảng sợ.
Với bản chất gian ác và thâm độc, địch dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, gian xảo mua chuộc, dụ dỗ, bắt cóc, thủ tiêu cán bộ. Chúng đưa ra Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát dã man những người Cộng sản, những người dân yêu nước, hòng dập tắt ý chí đấu tranh cách mạng của đồng bào ta. Song quân dân Tam Kỳ nói riêng, Quảng Nam nói chung đã biến căm thù thành hành động cách mạng, tất cả nhất tề đứng lên. Các cuộc đấu tranh cách mạng diễn ra liên tiếp và khắp nơi trong tỉnh. Những đồng chí đảng viên kiên trung, bất khuất ngày đêm bám chắc cơ sở, trụ vững trong dân, chiến đấu trong lòng địch, xây dựng cơ sở bí mật và phong trào cách mạng, tiếp tục củng cố lại tổ chức Đảng, chuẩn bị thực lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài.
Trong những năm 1959-1960, dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, phong trào cách mạng miền Nam chuyển thế tiến công. Quân dân trong tỉnh liên tiếp nổi dậy diệt ác, phá kèm, làm thất bại chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. Với tinh thần đó, quân dân Tam Kỳ đã nổi dậy giải phóng Tứ Mỹ (Tam Trà), từ đó tạo bàn đạp tiến đến giải phóng nhiều xã trong huyện.
Đến năm 1965, lực lượng vũ trang Tam Kỳ cùng với các huyện, thị trong tỉnh lớn mạnh, liên tiếp đánh địch ở khắp nơi với nhiều hình thức phục kích, tập kích, cải trang đánh địch giữa ban ngày ngay trong lòng địch, làm cho địch bị thiệt hại nặng nề. Thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ ào ạt đưa quân vào miền Nam, chúng tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Đảng ta chủ trương đánh địch với phương châm 2 chân 3 mũi giáp công, bao vây cô lập kẻ thù từ nhiều phía. Chiến thắng Núi Thành ngày 26/5/1965 đã trở thành chiến công đầu của trận đầu đánh Mỹ vang dội khắp cả nước. Từ đó, phong trào “Tìm Mỹ mà diệt, nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” ngày càng lan rộng. Các đơn vị lực lượng vũ trang Tam Kỳ như: V12, V18... đã phối hợp với lực lượng của Tỉnh, Quân khu và các huyện bạn đánh khắp các nơi, trong đó có USAM, USET nơi Mỹ đóng quân, tấn công vào Tỉnh đường Quảng Tín, sân bay Ngọc Bích, đồi Chồi Sũng, Trà Cai...
Bị thất bại khắp nơi trên chiến trường miền Nam. Từ năm 1966-1972 địch liên tiếp mở các cuộc càn quét trên quy mô lớn với thủ đoạn đốt sạch, phá sạch. Song cùng với cả Tỉnh, quân dân Tam Kỳ một tấc không đi, một ly không rời, kiên quyết bám đất, bám làng, đào hầm bí mật, đào địa đạo nuôi dấu cán bộ, bộ đội, cất dấu lương thực, thuốc men chuẩn bị cho nhiều trận quyết chiến mới. Trong những năm đánh Mỹ, ta đã tiêu diệt và làm tan rã hàng vạn tên địch, bắn cháy và phá huỷ hàng ngàn xe các loại, bắn rơi và hỏng nhiều máy bay. Tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cùng với quân dân trong Tỉnh, quân dân Tam Kỳ mở cuộc tổng tiến công đánh vào dinh luỹ của địch ở nội ô thành phố Tam Kỳ, góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta tại Paris.
Sau khi ký kết Hiệp định Paris, vào đầu năm 1973, Mỹ rút quân về nước, thế và lực của địch trên chiến trường miền Nam giảm sút, số lượng đồn bốt, hoả lực của Mỹ thu hẹp dần. Tuy bị thua đau trên khắp các mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao, nhưng Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố, tiếp tục xua quân lấn chiếm vùng giải phóng, vi phạm Hiệp định Paris. Tại nội ô thành phố Tam Kỳ, địch tăng cường huy động lính địa phương quân, nghĩa quân cùng với quân chủ lực đánh phá, lấn chiếm các vùng giải phóng, giành dân. Chúng ra sức bắt lính, đôn quân, tăng cường quân nguỵ, liên tục mở các cuộc càn quét, đẩy mạnh mạng lưới gián điệp. Đồng thời, phân loại các đối tượng cảm tình với cách mạng và bí mật thủ tiêu. Trước tình hình đó, quân dân Quảng Nam, Tam Kỳ tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, quyết trụ bám, giữ đất, giữ dân, tạo bàn đạp giải phóng thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam sau này.
2.2. Giải phóng Tam Kỳ, địa bàn quyết định giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam
Bước vào mùa xuân năm 1975, trên chiến trường miền Nam, thế và lực của quân và dân ta lớn mạnh hơn bao giờ hết. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ, song con đường giải phóng toàn miền Nam, thống nhất đất nước đang mở rộng. Thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Bộ Chính trị, tháng 10 năm 1974 và nhiệm vụ quân sự năm 1975 của Khu uỷ Khu V. Tỉnh uỷ Quảng Nam đã kịp thời triển khai các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, chuẩn bị mọi mặt để bước vào trận chiến đấu mới.
Phối hợp với trận đột phá chiến lược vào Buôn Ma Thuột ở mặt trận Tây Nguyên. Ở Quảng Nam, theo kế hoạch, trận mở màn là Tiên Phước - Phước Lâm. Ngày 10/3/1975, quân ta lần lượt đánh các mục tiêu: Suối đá, điểm cao 211, chi khu quận lỵ Tiên Phước và Phước Lâm, bao vây bứt rút chi khu quận lỵ Tiên Phước và Phước Lâm, đến 16g00 cùng ngày ta làm chủ 3 cứ điểm trên. Nắm chắc thời cơ, Tỉnh uỷ và cơ quan quân sự Tỉnh đã đưa cán bộ tỉnh và các huyện Tiên Phước, Trà My, Tam Kỳ trực tiếp lãnh đạo đồng bào Tiên Phước - Phước Lâm nổi dậy, giải phóng hoàn toàn Tiên Phước - Phước Lâm. Như vậy, toàn tuyến phòng thủ phía Tây Nam Tam Kỳ đã bị đập tan, tạo bàn đạp để giải phóng thị xã Tam Kỳ, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Tín. Chớp lấy thời cơ, cùng với cả nước, quân dân Tam Kỳ đồng loạt nổi dậy tổng tiến công để giải phóng thị xã Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam. Sau Tiên Phước là huyện được giải phóng đầu tiên, tiếp theo là các huyện, thị trong tỉnh liên tiếp tiến công từ nhiều hướng dồn địch vào thế bị động, lúng túng, quân lính hỗn loạn. Riêng Tam Kỳ, quân dân phối hợp nổi dậy tấn công quyết liệt vào Tỉnh đường Quảng Tín và căn cứ sào huyệt của chúng ở Chu Lai, địch tháo chạy tán loạn. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 24/3/1975, lá cờ bách chiến bách thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc tòa nhà Tỉnh đường Quảng Tín. Tam Kỳ đã hoàn toàn giải phóng và đây là đô thị đầu tiên ở đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ được giải phóng.
Thừa thắng xông lên, với khí thế cách mạng hừng hực của quân và dân ta như triều dâng, thác đổ tiến công về phía Bắc của tỉnh, giải phóng các huyện Thăng Bình, Quế Sơn ngày (26/3); Duy Xuyên ngày (27/3); Đại Lộc, thị xã Hội An ngày (28/3), Điện Bàn ngày (29/3). Ngay sau khi được giải phóng, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng thành lập Uỷ ban quân quản, kịp thời giải quyết những công việc đặt ra trước mắt của những ngày đầu mới giải phóng. Lực lượng bộ đội địa phương của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực thừa thắng xông lên tiến quân về Đà Nẵng để cùng quân và dân thành phố Đà Nẵng tiêu diệt quân thù, giải phóng thành phố, tạo ra thế chiến lược mới góp phần cùng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng mùa Xuân 1975 đã thể hiện ý chí sức mạnh của quân dân Quảng Nam, Tam Kỳ nói riêng và cả nước nói chung trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường vì độc lập- tự do của Tổ quốc, sẵn sàng vượt qua gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sỹ, đảng viên và nhân dân; thể hiện đường lối đấu tranh cách mạng đúng đắn của Đảng ta; biết nắm bắt thời cơ, liên tục nổi dậy, tiến công quyết liệt nhanh chóng để giành thắng lợi hoàn toàn.