Phần I
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,
ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
-----
Tư tường Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức
và định hướng xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay
“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả cuộc đời của Người luôn đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá, đó là tư tưởng của Người. Trong đó xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung cốt lõi, quan trọng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Trong tác phẩm mang tính lý luận đầu tiên của Đảng đó là tác phẩm Đường Kách Mệnh, Hồ Chí Minh đặt “Tư cách của một người cách mệnh” lên hàng đầu, tức là đặt đạo đức, nhân cách lên hàng đầu. Trong đó đặc biệt nổi bật là quan điểm người cách mệnh “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất”. Người đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống phẩm chất đạo đức của người cách mạng, vì hơn ai hết, Người hiểu được sức mạnh của đạo đức “Cái đức là gốc”. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền thì vấn đề đạo đức càng quan trọng vì quyền lực rất dễ dẫn đến sự tha hóa, biến chất của con người.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, yêu cầu và nội dung xây dựng Đảng càng đặt ra nhiều vấn đề lớn lao và mới mẻ trong đó có rèn luyện đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, được viết vào tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả Chương III để nói về Tư cách và đạo đức cách mạng, trong đó, Người đã chỉ ra 12 điều về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng không những đã chỉ ra những quy tắc, chuẩn mực đạo đức để cán bộ, đảng viên của Đảng phải tu dưỡng, rèn luyện mà Người còn chỉ ra những quy tắc, chuẩn mực đạo đức của tổ chức đảng cần phải xây dựng với cách tiếp cận về tiêu chí của “một đảng chân chính cách mạng”. 12 điều cần phải xây dựng ấy có thể tóm gọn lại thành những tiêu chí đạo đức cụ thể như sau:
Một là, xây dựng đạo đức trong tôn chỉ, mục đích hoạt động của Đảng: Đảng phải làm tròn sứ mệnh giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đó là chuẩn mực đạo đức cao nhất.
Hai là, xây dựng đạo đức trong nghiên cứu, vận dụng nền tảng lý luận của Đảng: Sự giác ngộ về cách mạng, về chủ nghĩa Mác-Lênin, về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là sự khởi đầu cho sự hình thành tư cách người cán bộ cách mạng. Lý luận đúng đắn sẽ giúp mỗi cá nhân nhận ra sai lệch trong tư tưởng, nhận thức và hành động; khắc phục những biểu hiện như: phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi nền tảng tư tưởng của Đảng...
Ba là, xây dựng đạo đức trong đường lối của Đảng: Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó là điểm căn cốt, là vấn đề then chốt. Nắm vấn đề then chốt, giữ vững vấn đề then chốt, dựa trên cái then chốt để giải quyết linh hoạt, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế là yêu cầu đối với xây dựng đường lối của Đảng đó chính là đạo đức.
Bốn là, xây dựng đạo đức trong mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân: Đảng phải phát huy vai trò của Nhân dân, “phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị”. Đảng phải chăm lo lợi ích của nhân dân, “luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng”.
Năm là, xây dựng đạo đức trong tổ chức và kỷ luật của Đảng: Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo”, đồng thời phải tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài Đảng, phải giữ kỷ luật nghiêm minh từ trên xuống dưới.
Sáu là, xây dựng bản lĩnh trước những sai lầm, khuyết điểm của Đảng: Sai lầm, khuyết điểm của Đảng, nhất là đảng cầm quyền là điều không thể tránh khỏi. Thái độ đúng đắn, khách quan, khoa học của Đảng trước những sai lầm, khuyết điểm đó là: Công khai thừa nhận, “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình” và kiên quyết sữa chữa.
Hồ Chí Minh không chỉ đề ra một hệ thống chuẩn mực đạo đức cách mạng cho các thế hệ học tập mà bản thân Người đã suốt đời gương mẫu thực hiện. Trong Di chúc, Người căn dặn “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” bởi theo Người: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Vì vậy, khi đề cập đến vai trò, chức năng của Đảng, Người luôn nhấn mạnh yêu cầu về sự trung thực trong đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng muốn giữ vững được vị trí, vai trò của Đảng thì bản thân mỗi đảng viên phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, là tấm gương đạo đức sáng ngời, đủ sức hấp dẫn để thu phục, thuyết phục và chinh phục nhân dân đi theo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan niệm xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, Người còn quan tâm đến các chuẩn mực đạo đức của tổ chức đảng. Hay nói cách khác, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản và của tổ chức đảng chân chính cách mạng trên quan điểm của cChủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa đạo đức nhân loại. Đạo đức cách mạng là một nền đạo đức mang tính nhân văn và tiến bộ.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu 3 nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng về đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên cần quan tâm để thực hiện và động viên người khác thực hiện. Đó là: 1) Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Nói đi đôi với làm trước hết là sự nêu gương tốt, trong đó, có sự làm gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, cha mẹ làm gương cho con cái, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên... Đây thực sự là phương thức giáo dục đạo đức phổ biến và hiệu quả nhất. Đặc biệt, đảng viên phải làm gương trước quần chúng, trong công tác, trong sinh hoạt, ở nơi làm việc, ở nơi cư trú. 2). Xây đi đôi với chống. Xây dựng đạo đức phải được tiến hành bằng giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, trong tập thể và toàn xã hội. Trong đấu tranh, phải chống lại cái tiêu cực, lạc hậu của bản thân, của những người xung quanh, của xã hội, mà trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân; không chống được cái hạn chế, cái tiêu cực của bản thân thì không thể chống cái lạc hậu, trì trệ của người khác. Xây và chống có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung và hỗ trợ nhau. 3). Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Bởi trên thực tế, mỗi người ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình; vì vậy, nhìn thẳng vào con người mình, thấy rõ cái hay, cái tốt để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu để khắc phục.
Trong suốt 92 năm qua, Đảng ta luôn chú trọng đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt. Qua các kỳ Đại hội, Đảng đã khẳnh định bản lĩnh chính trị khi nhận diện rõ ràng những nguy cơ trong điều kiện duy nhất là Đảng cầm quyền. Đó là: Tụt hậu xa hơn về kinh tế; xa rời mục tiêu của chủ nghãi xã hội; diễn biến hòa bình và những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí có những diễn biến phức tạp. Các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), chứng tỏ rằng, đây là yêu cầu cấp thiết và khách quan nhằm tạo sức mạnh nội sinh, nâng cao sức chiến đấu để hoàn thành trọng trách, trách nhiệm của Đảng đối với dân tộc, với nhân dân.
Vì vậy, để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ta hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trong phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng Đại hội xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”, làm cho Đảng ta trở thành một Đảng chân chính, vĩ đại, thực sự văn hóa. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.
Như vậy ngay đầu tiên của mục tiêu cho chúng ta thấy vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng trong đó xây dựng đảng về đạo đức là một nội dung đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ 2021-2026 và những năm tiếp theo được thể hiện trong Định hướng về xây dựng Đảng - gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa then chốt, quyết định đối với toàn bộ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, vì thế, nội dung định hướng xây dựng Đảng trong các kỳ đại hội Đảng đều rất được quan tâm. Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ tổng quát thứ 11 là: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng”. Việc yêu cầu “xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” chính là đặt Đảng trong cơ cấu thống nhất của hệ thống chính trị, đòi hỏi sự xây dựng đồng bộ các yếu tố tạo thành một hệ thống, trong đó trách nhiệm đầu tiên quyết định thuộc về Đảng.
Đồng thời, kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu các cấp; cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Mặt khác, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Vấn đề xây dựng Đảng ta về đạo đức trong giai đoạn hiện nay thực sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức là ý chí của Đảng, là tình cảm và nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam. Vì vậy, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống./.
Nguồn Công thông tin điện tư Ban Quản lý Lăng
Phần II
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN TRONG THÁNG 02/2022
-----
I. Định hướng công tác tuyên truyền tháng 02/2022
Trong tháng 2/2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở tập trung tuyên truyền một số nội dung chủ yếu sau:
- Kết quả và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và chuyên đề toàn khóa Đại hội XIII của Đảng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
- Kết quả Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
- Kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV.
- Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 02/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ về lãnh đạo tổ chức Đại hội Đại biểu Cựu Chiến binh thành phố Tam Kỳ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027.
- Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 02/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ về lãnh đạo Đại hội Đoàn cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Tam Kỳ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2022-2027.
- Chủ quyền biển, đảo Việt Nam, về công tác biên giới trên đất liền, về Luật An ninh mạng và một số luật mới ban hành.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.
- Tuyên truyền kỷ niệm ngày 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955-27/02/2022).
- Tổ chức tuyên truyền ý nghĩa của các ngày lễ kỷ niệm như: Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2022).
II. Đề cương tuyên truyền
Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2022)
1. Bối cảnh lịch sử ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam
a. Bối cảnh quốc tế
Từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc. Các nước tư bản đế quốc thực hiện chính sách: bên trong tăng cường bóc lột nhân dân lao động, bên ngoài gia tăng các hoạt động xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa. Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc làm đời sống nhân dân lao động trên thế giới trở nên cùng cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa.
Năm 1917, với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác -Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người; là ánh sáng soi đường cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Tháng 3/1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) ra đời đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
b. Bối cảnh trong nước
- Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập bộ máy thống trị, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi.
Về chính trị, thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị thực dân, tước bỏ quyền lực đối nội, đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, đó là một chính sách chuyên chế điển hình, chúng đàn áp đẫm máu các phong trào và hành động yêu nước của người Việt Nam, mọi quyền tự do bị cấm. Chúng chia rẽ ba nước Đông Dương, chia Việt Nam thành ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng.
Về kinh tế, thực dân Pháp cấu kết với giai cấp địa chủ để thực hiện chính sách bóc lột tàn bạo, cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền; ra sức vơ vét tài nguyên, cùng nhiều hình thức thuế khóa nặng nề, vô lý; xây dựng một số cơ sở công nghiệp, hệ thống đường giao thông, bến cảng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa.
Về văn hóa, thực dân Pháp tiến hành chính sách ngu dân, chúng bưng bít, ngăn cản ảnh hưởng của văn hóa tiến bộ trên thế giới, khuyến khích văn hóa độc hại, xuyên tạc lịch sử, giá trị văn hóa Việt Nam và dung túng, duy trì các hủ tục lạc hậu.
- Sự phân hóa giai cấp và mâu thuẫn xã hội diễn ra ngày càng gay gắt
Phần lớn giai cấp địa chủ cấu kết với thực dân Pháp ra sức bóc lột nông dân; một bộ phận địa chủ có lòng yêu nước, đã tham gia đấu tranh chống Pháp dưới các hình thức và mức độ khác nhau. Các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội Việt Nam đều mang thân phận người dân mất nước và đều bị thực dân áp bức, bóc lột, chèn ép nên đều căm phẫn thực dân Pháp. Do đó, mẫu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam lúc này, không chỉ là mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến, mà đã nảy sinh mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược.
- Các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh của quần chúng chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng về đường lối cách mạng
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh của nhân dân ta diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Tuy nhiên do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến như phong trào Cần Vương đã chấm dứt với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1896); phong trào nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài 30 năm cũng không giành được thắng lợi. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại,… Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
2. Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước và chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.
- Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, với tên mới là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người yêu nước Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây Bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
- Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo và cũng chính từ đây đã giải đáp cho Người con đường đấu tranh giành độc lập tự do thực sự cho dân tộc, cho đồng bào mình.
- Từ ngày 25 đến 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp với tư cách đại biểu Đông Dương. Kết thúc Đại hội ngày 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
- Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Người tập trung chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc, đồng thời gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc).
Nhờ hoạt động không mệt mỏi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của một Đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi.
3. Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, ngày 17/6/1929, Kỳ Bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hà Nội. Tháng 11/1929, các đồng chí Tổng bộ và Kỳ Bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 1/1/1930, những đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng) đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Trung Kỳ. Tuy nhiên ở một nước có tới ba tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Trách nhiệm lịch sử là phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam.
- Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Trong Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra 5 điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là tự phê bình và phê bình, “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt của Đảng và sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh nội dung cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng.
- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 3/2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
4. Ý nghĩa lịch sử sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng
- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam - thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời, đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam; đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.
- Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của những chiến sỹ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc.
- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.
- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và việc Đảng chủ trương cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới, đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại làm nên những thắng lợi vẻ vang; đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ của nhân loại trên thế giới.
KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
---------------
1. Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021)!
2. Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam muôn năm!
3. Chào mừng kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955-27/02/2022)!
4. Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Nhâm Dần 2022!
5. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”!
6. Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI!
7. Đảng bộ và Nhân dân thành phố Tam Kỳ ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022!
8. Cán bộ và Nhân dân Thành phố Tam Kỳ thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
9. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, Đảng bộ và Nhân dân Tam Kỳ quyết tâm xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc!
10. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
11. Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!
12. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
12. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!