Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thứ vũ khí sắc bén để xây dựng nội bộ Đảng. Nhờ tự phê bình và phê bình giúp Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để tiến bộ không ngừng, Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Bàn về tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến những nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, vì sao phải tự phê bình, phê bình?
Đối với cá nhân, theo Bác, sở dĩ phải tự phê bình và phê bình vì: “Trong Đảng gồm những người có tài có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta… Tuy vậy, không phải người người đều tốt, việc việc đều hay…”. Và, “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc”. Nghĩa là, tự phê bình và phê bình giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn ưu, khuyết điểm của mình và đồng chí mình. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình giống như tự uống thuốc và đưa thuốc cho đồng chí mình uống để chữa bệnh. Nếu bản thân và đồng chí mình không uống đúng thuốc bệnh không những không khỏi mà ngày càng nặng thêm. Nhưng nếu uống đúng thuốc, và bốc đúng thuốc đưa cho đồng chí mình uống kịp thời sẽ giúp cho phần tốt đẹp trong từng cán bộ, đảng viên “nảy nở như hoa mùa xuân” và “phần xấu mất dần đi”.
Đối với toàn Đảng, theo Bác, “Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của bên ngoài xã hội lây ngấm vào trong Đảng”. Do đó, cần thiết thực tự phê bình và phê bình để loại bỏ những thói hư, tật xấu bên ngoài xã hội lây ngấm vào trong Đảng ta, đồng thời, phát huy những ưu điểm, những thành tích mà Đảng ta đã đạt được.
Tự phê bình và phê bình trong Đảng, còn nhằm giúp cho Đảng ta loại bỏ những hạn chế, khuyết điểm một cách hữu hiệu nhất, giúp cho Đảng ta trở thành một đảng “tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng cho cán bộ và quần chúng noi theo. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Hai là, mục đích của tự phê bình và phê bình. Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình cốt để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, để tư tưởng và hành động được đúng hơn và tốt hơn, để làm việc có hiệu quả hơn. Tự phê bình và phê bình, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chính là một trong những biện pháp, cách thức để hoàn thiện bản thân của mỗi cán bộ, đảng viên và Đảng ta.
Đối với cá nhân, theo Bác, “cốt để giúp nhau sửa chữa, cốt để giúp nhau tiến bộ, cốt để cho cách làm đúng đắn hơn”. Nghĩa là, tự phê bình và phê bình nhằm mục đích cho mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng tốt hơn, làm việc ngày càng đúng đắn, hiệu quả hơn.
Đối với Đảng ta, tự phê bình và phê bình để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình sẽ giúp cho Đảng ta thêm đoàn kết. Bởi vì, thông qua tự phê bình và phê bình, sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng nói riêng, toàn Đảng ta nói chung nói thẳng, nói thật trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Từ đó, tránh được những vướng mắc, những uất ức, những suy nghĩ, những vấn đề không thể nói ra… ấm ức trong lòng, dẫn đến tình trạng nói xấu sau lưng, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, gây mất đoàn kết trong Đảng. Ngược lại, khi đã thẳng thắn tự phê bình và phê bình thì sẽ khắc phục được tình trạng nói trên.
Ngoài ra, tự phê bình và phê bình để làm cho Đảng ta “tiến bộ thêm mãi”; xứng đáng là đạo đức và văn minh.
Ba là, thái độ tự phê bình và phê bình, theo Hồ Chí Minh, phải thẳng thắn, chân thành, “ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang thêm bớt”, không dấu bệnh sợ thuốc, nhưng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Bốn là, nghệ thuật tự phê bình và phê bình, Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình, không chỉ là luật, quy luật phát triển của Đảng ta, là vũ khí xây dựng nội bộ Đảng mà còn là nghệ thuật - Đảng không những luôn dùng mà còn phải “khéo dùng”. Người cho rằng: “Phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”. Phê bình “khôn khéo” ở đây, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là phải đồng thời vạch rõ ưu điểm và khuyết điểm, tránh dùng những lời mỉa mai, không được “a dua”, “tâng bốc”… Sự “khôn khéo” còn thể hiện ở chỗ: Lãnh đạo phải khơi dậy được tinh thần dân chủ không chỉ trong Đảng mà cả trong quần chúng nhân dân. Làm như thế mới tránh được hiện tượng đảng viên, cán bộ và quần chúng nhân dân dù có ý kiến cũng không dám nói, không dám đấu tranh phê bình. Do không dám nói ra nên họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác. Người còn nhắc nhở, phê bình khéo là: Phê bình việc, không phê bình người; tự phê bình trước, phê bình sau; phê bình cấp trên trước, cấp dưới sau…
...