Phần I
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,
ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
-----
Tổng kết lý luận gắn với thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
“Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học”. Trên cơ sở quán triệt “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” từ cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bài viết làm rõ những nội dung cơ bản: lý tưởng, khát vọng vì độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc Việt Nam; con người là chủ thể, là động lực trung tâm và phát triển toàn diện; dân sinh - dân chủ - dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh; thể chế phát triển nhanh - bền vững gắn với phát triển bao trùm.
1. Lý tưởng, khát vọng vì độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc Việt Nam
Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” với những định hướng mục tiêu đến năm 2030 và năm 2045 nhằm hiện thực hóa xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các tiêu chí này thể hiện “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta”.
Theo Tổng Bí thư, xây dựng xã hội XHCN là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất mà chỉ có thực tiễn mới cho câu trả lời xác đáng. Tiền đề cho lý tưởng XHCN là thành công, hạn chế lịch sử của chủ nghĩa tư bản hiện đại, của phong trào công nhân và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đang đấu tranh cho “các thành tựu, giá trị văn minh” của nhân loại; trong đó, trước tiên, cơ bản là của công cuộc đổi mới - phát triển theo định hướng XHCN ở nước ta. Tại Việt Nam, một tiền đề không thể thiếu trên con đường đi lên CNXH là lý tưởng, khát vọng đổi mới sáng tạo vì độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc của đất nước và của mỗi người dân.
Lý tưởng, khát vọng không phải là những huyễn tưởng xuất phát từ ngẫu hứng nhất thời, chủ quan, duy ý chí, mà được khơi dậy, gây dựng từ thực tiễn, niềm tin vững chắc vào thể chế phát triển đất nước vì độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, vào bản lĩnh, kinh nghiệm mà Đảng, nhân dân Việt Nam đã tổng kết được, nhất là từ thực tiễn công cuộc đổi mới với vị thế, uy tín của đất nước đã đạt được trong hơn 35 năm qua. Lý tưởng, khát vọng nuôi dưỡng, thúc đẩy nhu cầu, năng lực đổi mới sáng tạo vì mục tiêu tốt đẹp. Cả hai đều là ước mơ, giá trị tốt đẹp, dù cao cả hay bình dị; trong đó, lý tưởng thiên về nguyên tắc, giá trị có tính lý luận hơn. Cả hai đều là kết quả của nhận thức sâu sắc và dựa vào một niềm tin nhất định; được thể hiện bằng tình cảm nồng cháy, trong sáng và ý chí kiên cường.
Do vậy, phải tổng kết cả về lý luận và thực tiễn về lý tưởng, khát vọng đổi mới sáng tạo vì độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc của đất nước và mỗi người Việt Nam trên con đường đi lên CNXH đang được thể hiện cụ thể trong công cuộc đổi mới - phát triển theo định hướng XHCN. Nhờ đó có thể làm rõ và cổ vũ cho “động lực và nguồn lực quan trọng” này của đất nước nhằm đổi mới sáng tạo bằng thể chế phát triển nhanh - bền vững gắn với phát triển bao trùm theo lý tưởng, khát vọng XHCN. Lý tưởng hay khát vọng đó xuất phát từ tâm khảm của mỗi người và của toàn dân tộc Việt Nam. Đây là một trạng thái tinh thần của “gió ngày mai thổi lại” để mang “hồn thời đại bay cao” (Tố Hữu) với sự thôi thúc mạnh mẽ từ niềm tin vào thể chế phát triển của Việt Nam. Đây thực chất là chất men của chủ nghĩa yêu nước khi vận nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc đã đến. Lý tưởng, khát vọng đó có giá trị như lực lượng vật chất tạo nên “sĩ khí quốc dân” khi mỗi người và toàn dân Việt Nam có niềm tin vào thể chế phát triển của đất nước, từ đó, chủ động, tích cực đổi mới sáng tạo, đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm hiện thực hóa lý tưởng, khát vọng XHCN được thể hiện ở mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc tổng kết lý luận gắn với thực tiễn đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện lý tưởng, khát vọng vì mục tiêu đó sẽ làm sáng tỏ và cổ vũ cho phương thức phát triển hợp quy luật trên con đường đi lên CNXH dưới tác động của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, “xã hội thông minh 5.0”...). Từ đó, làm rõ được các cuộc vận động, phong trào đổi mới sáng tạo một cách đồng bộ, toàn diện về cách nghĩ, cách làm theo phương châm: đổi mới sáng tạo trong tư duy, trước hết trong tư duy kinh tế, trong thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng), trong công tác tổ chức và cán bộ, trong phong cách làm việc, sinh hoạt... trên các lĩnh vực của đời sống xã hội theo kiểu “Make in Vietnam”. Bởi chỉ đổi mới sáng tạo theo kiểu “Make in Vietnam” nước ta mới trở thành một nước phát triển phù hợp với lý tưởng XHCN và công cuộc đổi mới - phát triển theo định hướng XHCN thay vì kiểu “Made in Vietnam” vốn chỉ bằng lòng với tiêu chí một nước đang phát triển, do đó có nguy cơ chệch hướng XHCN.
Về mặt lý luận, có thể ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển, từng bước định hình được lý tưởng, khát vọng XHCN ngày càng thiết thực hơn, sáng rõ hơn trong cách thức phân kỳ của con đường đi lên CNXH thông qua công cuộc đổi mới - phát triển theo định hướng XHCN ở nước ta, nhằm trả lời câu hỏi: “chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Về mặt lý luận - thực tiễn, có thể nuôi dưỡng và thúc đẩy tầm nhìn để kiên định lý tưởng, khát vọng XHCN một cách thực tế bằng cách gắn với xây dựng, thực hiện Cương lĩnh của Đảng, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển mới trong nước và quốc tế trên con đường đi lên CNXH. Từ đó, cùng với việc “nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục những quan niệm giản đơn trước đây” về CNXH, sẽ đưa tinh thần phụng sự đổi mới - phát triển theo định hướng XHCN - phụng sự Tổ quốc vào đời sống xã hội, đặc biệt vào thực tiễn hoạt động của giới trẻ và doanh nghiệp. Tinh thần này trở thành triết lý phát triển nhanh - bền vững gắn với phát triển bao trùm sẽ tạo nên kiểu “tư duy toàn cầu - hành động dân tộc” nhằm góp phần xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc sánh vai cùng các cường quốc năm châu và phục vụ nhân loại tiến bộ.
2. Con người là chủ thể, là động lực trung tâm và là mục tiêu phát triển
Hiện nay, việc đề cao “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân” đòi hỏi thực hành, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân phải kết nối với phát huy vai trò chủ thể, vị trí động lực trung tâm của con người và phát triển toàn diện con người.
Thực tế cho thấy, chỉ con người với lý tưởng, khát vọng XHCN mới là chủ thể của tất cả các nguồn lực, đồng thời là động lực trung tâm của tất cả các nguồn lực trên con đường đi lên CNXH. Cho nên, việc xuất phát từ con người và “lấy con người làm trung tâm” là tất yếu, nhưng nếu con người không được trao quyền và được bảo đảm quyền của mình với tư cách là người chủ - làm chủ trong thể chế dân chủ XHCN thì không thể phát huy được vị trí chủ thể, vai trò động lực trung tâm của con người.
Vì thế việc tổng kết lý luận - thực tiễn về vấn đề này là để làm rõ việc “không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN không chỉ nhằm thực hành, phát huy dân chủ tập thể, quyền làm chủ tập thể, mà trước tiên và cơ bản phải là làm chủ bản thân. Cho nên phương hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN không chỉ chú trọng vào xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của bộ máy nhà nước, mà đồng thời cũng phải chú ý đúng mức đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của con người, của công dân với tính cách là các quan hệ nền tảng, có tính bình đẳng với thể chế pháp quyền của bộ máy nhà nước trong chỉnh thể chung của thể chế nhà nước pháp quyền XHCN.
Từ đó, kịp thời nắm bắt, điều tiết, tổng kết những quyền mới phát sinh trong vai trò chủ thể, vị trí động lực trung tâm của người dân nhằm phát triển toàn diện, như: quyền an ninh và an toàn thông tin mạng, quyền kinh doanh và thanh toán trên nền tảng internet, quyền giáo dục và sinh hoạt tôn giáo, văn hóa trực tuyến, quyền bí mật đời tư trên mạng xã hội, quyền an toàn thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, quyền của nhóm LGBT... nhằm làm sáng tỏ: để xây dựng xã hội do nhân dân làm chủ, con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện thì con người luôn giữ vai trò chủ thể, vị trí vừa là động lực trung tâm, vừa là mục tiêu của công cuộc đổi mới - phát triển theo định hướng XHCN. Bởi xã hội XHCN là một xã hội “phát triển thực sự vì con người, chứ không vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”.
Thể chế pháp quyền của Nhà nước XHCN không chỉ thể hiện ở mục tiêu và bản chất bảo đảm quyền lực của dân, do dân, vì dân, mà còn được thể chế hóa thành công cụ, phương tiện để đạt được mục tiêu đó một cách hiệu lực, hiệu quả trong thực tế. Bởi lẽ, trong điều kiện tồn tại nhiều thành phần kinh tế và phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội như hiện nay, mỗi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội chỉ có thể được lựa chọn, xác định chính xác và triển khai, thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả trên thực tế khi: (1) Xuất phát và nhắm đến đúng thành phần kinh tế, giai tầng xã hội cần được thụ hưởng quyền lợi chính đáng khi xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách; (2) Phân rõ chủ thể được bảo đảm quyền lợi và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền lợi đó; (3) Lôi cuốn và huy động được sự tham gia chủ động, tích cực, đông đảo của người dân vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách; (4) Bảo đảm sự công khai, minh bạch trong triển khai, thực hiện.
Đây chính là các tiêu chí của cách tiếp cận dựa trên quyền con người và cũng là công cụ, phương tiện cần phải có trong thực hành, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, kể cả trong “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
3. Dân sinh - dân chủ - dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền dân tộc (chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết và quyền phát triển) phải luôn gắn với bảo đảm quyền con người, quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số và của tất cả các cộng đồng khác, đặc biệt là quyền sinh kế (dân sinh) và dân chủ. Bởi lẽ, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. “Quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một... Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước ta sử dụng cả hai thuật ngữ nhân quyền (quyền con người) và quyền công dân, đồng thời luôn gắn với dân sinh, dân chủ. Bởi lẽ, dân chủ là dân quyền, trước hết là quyền sinh kế và quyền chính trị, cho nên giành lấy và bảo đảm hai loại quyền này sẽ thúc đẩy bảo đảm các quyền con người khác (dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa); bảo đảm quyền dân tộc - quốc gia phải trên cơ sở bảo đảm dân sinh, dân chủ (và ngược lại).
Việc tổng kết lý luận - thực tiễn về mối quan hệ này sẽ góp phần làm sáng tỏ: trên con đường đi lên CNXH, bên cạnh việc bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Trong “Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Cho nên, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích. Dân sinh là cội nguồn sâu sa, là bản lề và với tính cách là bản chất của chế độ XHCN, dân chủ bảo đảm cho con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trung tâm trên con đường đi lên CNXH. Đồng thời “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam; không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo”.
Từ đó, chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường xây dựng mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, thể chế pháp quyền và đại đoàn kết toàn dân tộc trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Hiện nay, do khung khổ pháp lý lớn hơn, toàn diện hơn của cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được xác định tại Đại hội XIII của Đảng, cho nên: (1) Kiến nghị Quốc hội nâng Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn (năm 2007) thành luật cũng như hoàn thiện các nghị định về thực hiện dân chủ ở cơ quan, doanh nghiệp nhằm kịp thời ghi nhận, bảo đảm việc thực hiện “dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng như tổng thể cơ chế đó; (2) Tạo động cơ khuyến khích tham gia thực hành dân chủ trực tiếp ở cơ sở, ví dụ bổ sung tiêu chí về tham gia vào các công việc cộng đồng trong các tiêu chí về xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; (3) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền trong hoạt động tư pháp theo phương châm: “Phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”; (4) Đấu tranh có hiệu quả với mọi loại tội phạm, vi phạm và những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội và an ninh quốc gia.
4. Thể chế phát triển nhanh - bền vững gắn với phát triển bao trùm
Lý tưởng, khát vọng vì Việt Nam độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc phải diễn ra trên cơ sở một thể chế chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nhất định. Trong điều kiện lực lượng sản xuất phát triển ngày càng cao như hiện nay, để tiến lên CNXH ở một nước đang phát triển như Việt Nam, trước tiên và cơ bản phải xây dựng, thực hiện được thể chế phát triển nhanh - bền vững gắn với phát triển bao trùm nhằm kiến tạo niềm tin, khơi dậy lý tưởng, khát vọng đổi mới sáng tạo của người dân.
Việc tổng kết lý luận - thực tiễn về thể chế phát triển nhanh - bền vững gắn với phát triển bao trùm nhằm làm rõ “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”. Đồng thời, “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội”, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Qua tổng kết lý luận - thực tiễn về vấn đề này sẽ góp phần làm rõ các khía cạnh sau:
- Phát triển bao trùm để “không để ai bị bỏ lại phía sau” thực chất là kiểu phát triển luôn bảo đảm các kết nối theo chuỗi sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng; giữa hoạt động kinh tế - xã hội của các thành phần, khu vực kinh tế khác nhau; giữa kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội; giữa trong và ngoài nước; giữa con người với kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường... nhằm góp phần “nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn” như Tổng Bí thư đã xác định.
- Việc thực hiện phát triển nhanh - bền vững gắn với phát triển bao trùm là nhằm đáp ứng yêu cầu, nhu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để giảm nguy cơ tụt hậu, đồng thời tăng cường năng lực đi tắt, đón đầu, thích ứng với nền kinh tế thị trường, các cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất hiện đại cũng như các phong trào nhân văn, dân chủ, tiến bộ trên thế giới. Bởi lẽ, bản chất của toàn cầu hóa là liên kết các hoạt động, giao lưu quốc tế về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường. Vì thế, các quan hệ toàn cầu mang tính khách quan nhiều hơn do tác động của các cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, các công ty xuyên quốc gia, các mạng lưới thiết chế và thể chế quốc tế... so với giai đoạn quốc tế hóa. Do đó, hội nhập quốc tế là tất yếu và thực chất là một sự liên kết có tính cạnh tranh để chủ động sinh tồn, phát triển, đồng thời giảm đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia - dân tộc. Việc tổng kết lý luận - thực tiễn về vấn đề này sẽ gợi mở cho việc xác định lý tưởng, khát vọng đổi mới sáng tạo để mạnh dạn “đi tắt, đón đầu”, tận dụng những cơ hội mà các cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất quốc tế... mang lại nhằm xây dựng thành công Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với các tiêu chí phát triển vào năm 2030 và năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
- Làm rõ việc kết nối phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường với sinh kế và đời sống xã hội của người dân để thực hiện mục tiêu cuối cùng và cao nhất là bảo đảm mỗi người và cộng đồng phát triển toàn diện. Cần nhấn mạnh là, phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường dù đạt thành tựu đến đâu mà con người không được tái tạo bền vững về thể chất, tinh thần, giới tính người và các thế hệ người thì hầu như không có ý nghĩa thực tế. Chẳng hạn hiện nay, sự giảm sút dân số là một dấu hiệu tiêu cực về tính chất chưa bền vững, chưa bao trùm trong phát triển tại một số nước phát triển. Qua đó sẽ hướng quá trình phát triển nhanh - bền vững gắn với bao trùm một cách hài hòa giữa hoạt động sinh kế của người dân theo thể chế kinh tế thị trường, với sự điều tiết của Nhà nước pháp quyền XHCN và quan hệ con người - quan hệ công dân trong đời sống xã hội nhằm tạo nên sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các giai tầng trong xã hội, giữa nam và nữ với mức độ chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch đời sống vùng miền không lớn. Nhờ đó bảo đảm công bằng xã hội và phát triển con người toàn diện theo chỉ số phát triển con người (HDI) và bình đẳng giới (GDI), nhằm phát triển bền vững đời sống xã hội của con người, đặc biệt tái sản sinh bền vững con người, giới tính và các thế hệ người. Đây là tiêu chí cốt lõi quán xuyến quá trình phát triển nhanh - bền vững gắn với bao trùm trên con đường đi lên CNXH ở nước ta.
- Kịp thời phát hiện những nội hàm mới của phát triển nhanh - bền vững gắn với phát triển theo chuỗi hay bao trùm. Đây là yêu cầu đang rất cần thiết, bởi ngày nay, sự phát triển của bất cứ lĩnh vực đời sống xã hội nào cũng không thể diễn ra một cách biệt lập mà nó có sự kết nối bao trùm với sự phát triển của các lĩnh vực khác. Nếu không có sự kết nối bao trùm giữa chúng thì rất khó thực hiện sự phát triển của bản thân lĩnh vực kinh tế cũng như của bản thân lĩnh vực xã hội...
Tính chất phát triển bao trùm hay phát triển theo chuỗi “hai trong một” hoặc “nhiều trong một” không làm nội hàm của phát triển trở nên thiếu trọng tâm, trọng điểm hay làm lu mờ mũi nhọn đột phá có tính đặc thù của riêng kinh tế hay xã hội, văn hóa, môi trường. Công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, xã hội thông minh 5.0... sẽ giúp con người xử lý thông minh, hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quá trình kết nối theo chuỗi. Kinh nghiệm của Liên hợp quốc trong triển khai, thực hiện Chương trình phát triển thiên niên kỷ giai đoạn 2001-2015 với 8 mục tiêu và Chương trình nghị sự phát triển bền vững giai đoạn 2016-2030 với 17 mục tiêu cho thấy, càng mở rộng nội dung, mục tiêu phát triển bền vững thì càng mở rộng nội hàm phát triển bao trùm.
- Cuối cùng, sẽ nâng cao năng lực phát triển trên con đường đi lên CNXH, chủ động thích ứng với trạng thái “bình thường mới” hiện nay nhằm thúc đẩy lý tưởng, khát vọng đổi mới sáng tạo như: đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cải cách thể chế, đáp ứng được yêu cầu chuyển mạnh sang nền kinh tế số, chính quyền số và xã hội số; tìm kiếm hướng phát triển mới, thị trường mới (như nâng cao năng lực của các đầu tàu kinh tế Bắc, Trung, Nam, chú ý phát hiện, bồi dưỡng một số đầu tàu kinh tế mới ở cả ba miền...); đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lãnh đạo, quản trị và khoa học, công nghệ; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, ủy quyền, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, cơ sở theo hướng bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của địa phương, cơ sở...; xây dựng chế độ khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám đột phá, đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của bộ máy nhà nước và của cả người dân nhằm thực hiện công khai, minh bạch nghĩa vụ bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân.
PGS, TS NGUYỄN THANH TUẤN
Nguồn Tạp chí Lý luận Chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Phần II
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN TRONG THÁNG 10/2022
-----
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 10/2022
Trong tháng 10/2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở tập trung tuyên truyền một số nội dung chủ yếu sau:
- Kết quả và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và chuyên toàn khóa Đại hội XIII gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
- Kết quả Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
- Kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV
- Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 24/4/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ về lãnh đạo tổ chức Đại hội Công đoàn cơ sở, tiến tới Đại hội Công đoàn thành phố Tam Kỳ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
- Chủ quyền biển, đảo Việt Nam, về công tác biên giới trên đất liền, về Luật An ninh mạng và một số luật mới ban hành.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.
- Tổ chức tuyên truyền ý nghĩa của các ngày lễ kỷ niệm như: Kỷ niệm 74 năm ngày Truyền thống ngành: Kiểm tra Đảng (16/10/1948-16/10/2022); 92 năm ngày Truyền thống các ngành: Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2022), Công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-5/10/2022), Văn phòng cấp ủy Đảng (18/10/1930-18/10/2022), 92 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2022) và 92 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/202).