19-08-1945
Cách mạng tháng tám, tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường Châu Âu, giải phóng hàng loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béclin. Ngày 8/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân phiệt Nhật vào tình thế thất bại. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Uỷ ban khởi nghĩa gửi quân lệnh số 1 cho đồng bào và cho chiến sĩ cả nước ngay trong đêm ấy.
Ngày 16/8/1945, đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “lệnh tổng khởi nghĩa” quyết định Quốc Kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra uỷ ban dân tộc giải phóng Trung Ương, tức chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuốc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám thành công.
Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14/8, một ngày sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc. Từ ngày 14 đến 18, tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An.
Ngày 17/8, ở Hà Nội, tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mittinh lớn tại Quảng trường nhà hát thành phố, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trong mittinh này, dưới sự lãnh đạo của xứ Uỷ Bắc Kỳ và thành Uỷ Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, chiếm lấy diễn đàn cuộc mittinh, cán bộ Việt Minh đã diễn thuyết báo tin cho đồng bào biết quân phiệt Nhật đã đầu hàng và giới thiệu chủ trương đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân đánh đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật. Cuộc mittinh đã tiến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, bắt đầu từ quảng trường nhà hát thành phố và lan khắp nơi trên phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng khí thế sục sôi khởi nghĩa.
Ngụy quyền cực kỳ bối rối hoang mang, chúng dựng lên cái gọi là “Uỷ ban chính trị” đề nghị với Việt Minh: “Đằng nào các ông cũng thắng, nhưng để điều đình với Đồng Minh sẽ vào Đông Dương giải giáp quân Nhật, đề nghị vùng nông thôn cách thành phố 15km là thuộc quyền các ông, còn thành phố cần có nhân sĩ, trí thức đứng ra giao dịch với Đồng Minh”.
Đại biểu Việt Minh đã trả lời dứt khoát, “giao dịch với Đồng Minh lúc này, ngoài Việt Minh không ai có thể có lực lượng và danh nghĩa cả”. Sáng ngày 19/8, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mittinh. Họ vừa đi vừa hô khẩu hiệu:
* Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.
* Thành lập chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam.
* Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh.
* Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Cuộc mittinh diễn ra vào ngày 19/8/1945. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến Quân Ca, đại biểu uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc mittinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm phủ khâm sứ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn.
Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng toả đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi. Cách mạng tháng tám là sự kiện vĩ đại trong lich sự dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời.
(Theo lichsuvietnam.vn)
Kỷ niệm 108 năm
Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2019)
Võ Nguyên Giáp (sinh 1911), nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, nhà chỉ huy và nhà lí luận quân sự xuất sắc của Việt Nam. Quê: xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Sớm hoạt động cách mạng, tham gia lãnh đạo phong trào học sinh Huế (1925), tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng. Bị thực dân Pháp bắt (1930), đưa về quê quản thúc. Ra Hà Nội, tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ. Tham gia sáng lập báo "Lao động", "Tiếng nói chúng ta"; biên tập báo "Tin tức", "Dân chúng". Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (1940). Gây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức Việt Minh ở Cao Bằng (1941); tổ chức Ban Xung phong Nam tiến (1942). Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao tổ chức Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (12.1944); chỉ huy đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt (25.12.1944) và Nà Ngần (26.12.1944). Uỷ viên Uỷ ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ, tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, uỷ viên Ban Chỉ huy Lâm thời khu giải phóng Việt Bắc, tham gia Uỷ ban Khởi nghĩa Toàn quốc, uỷ viên Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (8.1945).
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, sau đó là uỷ viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1945). Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bí thư Đảng Đoàn Chính phủ (8.1945). Chủ tịch Quân sự Uỷ viên Hội (4.1946), phó trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt (1946). Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá II - VI; uỷ viên Bộ Chính trị các khoá II - IV. Bí thư Tổng Quân uỷ, sau này là Quân uỷ Trung ương (1946 - 77).
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1946 - 1947), đại tướng (1948), tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam, tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (đến 1975); uỷ viên Hội đồng Quốc phòng (1948). Trong Kháng chiến chống Pháp, trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trong Kháng chiến chống Mĩ, chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1955 - 1980). Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991). Đại biểu Quốc hội các khoá I - VII.
Tác phẩm: "Vấn đề dân cày" (đồng tác giả), "Khu giải phóng" (1946), "Đội quân giải phóng" (1947), "Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân, ba giai đoạn chiến lược" (1950), "Điện Biên Phủ" (1964), "Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng" (1970), "Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân" (1972), "Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" (1979), "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam" (2000), vv. Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác.