Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 7

Thứ năm - 18/07/2019 21:31
Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 7
       NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ TRONG THÁNG 7:

- 2-7-1976: Ngày nước ta đổi quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- 11-7: Ngày Dân số thế giới
- 15-7-1950: Ngày truyền thống thanh niên xung phong
- 17-7-1966: Ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
- 20-7-1954: Ngày ký hiệp định Giơnevơ
- 24-7-1968: Ngày Chiến thắng Đồng Lộc
- 27-7-1947: Ngày thương binh, liệt s Việt Nam
- 28-7-1929: Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

15/7/1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG THANH NIÊN XUNG PHONG

“Thanh niên xung phong là một biểu tượng sáng ngời của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng mở đầu cuộc cách mạng tháng tám vĩ đại năm 1945.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lực lượng thanh niên xung phong nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, đã góp phần cống hiến quý báo vào thắng lợi huy hoàng, hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, thực hiện ước mơ của bao thế hệ người Việt Nam”.
(Phạm Văn Đồng – trích trong tập sách “Thanh niên xung phong- những trang oanh liệt”-NXB, Thanh niên, 1996)
Ngày 15/7/1950, thực hiện chỉ đạo của Trung Ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Đoàn thanh vận Trung Ương quyết định thành lập đội thanh niên xung phong công tác Trung Ương đầu tiên phục vụ chiến dịch Biên Giới. Ban chỉ huy lâm thời của đội gồm 5 đồng chí, do đồng chí Vương Bích Vượng, uỷ viên ban chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc là đội trưởng và bí thư chi bộ. Đội có 225 đội viên đầu tiên, được tổ chức thành 3 liên đội.
Qua từng thời kỳ, để đáp ứng nhu cầu thực tế của tình hình đất nước, lực lượng thanh niên xung phong đã nhiều lần đổi tên:
•        Đội thanh niên xung phong công tác Trung Ương (15/7/1950)
•        Đội thanh niên xung phong (26/3/1953)
•        Đoàn thanh niên xung phong Trung Ương (12/1963)
•        Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (21/6/1965)
•        Lực lượng thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (20/4/1964)
•        Ban thanh niên xung phong – Lao động trẻ (3/1986)
“ Trong sự nghiệp chống nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lực lượng thanh niên xung phong đã phát huy sức mạnh vô song, với những hoài bão và bản lĩnh của tuổi trẻ, đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội như tham gia vào các chương trình, dự án: phủ xanh đất trồng trọt, nước sạch cho nông thôn, sử dụng mắt nước, bãi bồi ven biển, ánh sáng văn hoá, dạy nghề, giới thiệu việc làm…. với ý chí và nghị lực, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắc làm nên.”(Phạm Văn Đồng).
Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các thế hệ, theo đề nghị của Uỷ Ban Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, ngày 30/6/1995, thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 382/TTG quy định lấy ngày 15/5 hàng năm làm ngày truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.
Nhân dịp này, ban chấp hành Trung Ương Đảng đã tặng lực lượng thanh niên xung phong bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên xung phong - Chiến đấu dũng cảm – Lao động sáng tạo - Lập công xuất sắc”.

24/7/1968: NGÀY CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC

          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa chỉ đỏ, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do thống nhất Tổ quốc, vì hoà bình.
          Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.
          Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông.
Khu tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc. Ảnh: Thanh Hà-TTXVN
          Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.
Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường.
          Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh làm việc thường trực tại ngã ba Đồng Lộc. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, do Võ Thị Tần-24 tuổi, làm tiểu đội trưởng được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua. 
          Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc với niềm vui được gửi gắm trên từng chiếc xe đi qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái.  Một, hai phút, rồi năm phút trôi qua. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Các cô đã hy sinh.
 

Du khách thập phương về dâng hương tại khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
          10 cô gái Đồng Lộc kiên cường dũng cảm: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi) đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ.
 
Mười đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người - đã mãi mãi ra đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, khát vọng của ước mơ, hoài bão. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc.
           Những chiến công của các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Máu của các chị đã góp phần tô thắm màu cờ của Tổ Quốc.
          Chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít, giờ đã thành địa chỉ xanh chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng. Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay, những con đường bạt ngàn nắng gió, những đồng ruộng thơm mùi lúa thẳng cánh cò bay. Gió đại ngàn vẫn thổi, tiếng chuông ngân vang một góc trời. Nơi đó, 10 cô gái đã hy sinh cho công cuộc thống nhất đất nước.
          Tuyến đường vào Nam những năm đó, giờ đã thênh thang rộng mở. Cả một vùng Ngã ba Đồng Lộc đã xanh tươi. Từ cầu Sông Nghẽn đi lên vùng cung đường ngã ba là cả một vùng lúa Đại Lộc, Tiến Lộc, Thanh Lộc, Đồng Lộc… xanh mướt. 
          Để có được những cánh đồng trải đầy màu xanh của ngày hôm nay, các chiến sĩ đã phải đánh đổi bằng màu đỏ của máu, bằng cả tuổi thanh xuân. Tổ quốc mãi ghi công những người con gái Thanh niên xung phong!
                                                                      Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN


27-7-1947: NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ

         Cách mạng tháng tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Núp sau quân Anh - Ấn, chúng trắng trợn gây nên những vụ xung đột vũ trang ở nhiều nơi thuộc Nam Bộ, Trung Bộ. Tiếp đó, khi vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, thực dân Pháp gây ra những vụ bắn phá giết hại dân ta ở Hải Phòng, Hà Nội….. mở đường cho việc xâm lược cả nước ta.
Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, một số chiến sĩ, đồng bào ta bị thương và hi sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình, góp phần chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bênh binh một cách tận tình chu đáo.
Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ tử nạn” sau đổi tên “Hội giúp binh sĩ bị thương” được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác. Hồ Chủ tịch là hội trưởng danh dự của hội.
Ngày 28/5/1946, “hội giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ chủ tịch đã đến dự. Ngày 7/11/1946, cũng tại nhà hát thành phố Hà Nội, buổi quyên góp ủng hộ quần áo giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận đã được tổ chức, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”, tại đây Hồ chủ tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ.
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 6/1947, đại biểu của tổng bộ Việt Minh, Trung Ương hội phụ nữ cứu quốc, Trung Ương đoàn thanh niên cứu quốc, cục Chính Trị Quân Đội quốc gia Việt Nam, nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh liệt sĩ. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung Ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ – ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.
Nguồn: lichsuvietnam.vn

Tác giả bài viết: Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu chung

Sơ lược về Thành Đoàn Tam Kỳ

Sơ lược về Thành Đoàn Tam Kỳ - Tên đơn vị: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam. - Địa điểm trụ sở chính: số 99 Hùng Vương - thành phố Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam. * Chức năng, nhiệm vụ: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Tam Kỳ là thành viên của hệ thống...

ytst
Văn bản pháp quy

02

Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 02.2023

Thời gian đăng: 01/02/2023

lượt xem: 424 | lượt tải:159

01

Tài liệu Sinh hoạt Chi đoàn tháng 01.2023

Thời gian đăng: 01/02/2023

lượt xem: 429 | lượt tải:143

Tài liệu

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 10 Năm 2022

Thời gian đăng: 05/10/2022

lượt xem: 658 | lượt tải:164

Tài liệu

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 9 Năm 2022

Thời gian đăng: 04/10/2022

lượt xem: 576 | lượt tải:167

Tài Liệu

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 8 Năm 2022

Thời gian đăng: 04/10/2022

lượt xem: 480 | lượt tải:166
Di chúc Bác
Học tập
viec lam
học nghề
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại140,897
  • Tổng lượt truy cập4,607,954
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây