Những ngày đáng nhớ trong tháng 5:
- Ngày 01/5/1886: Kỷ niệm Ngày quốc tế Lao động
- Ngày 5/5/1818: Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Karl Heinrich Marx (C.Mác)
- Ngày 07/5/1954: Kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
- Ngày 09/5/1945: Kỷ niệm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa Phát –xít
- Ngày 15/5/1941: Kỷ niệm Ngày Thành lập Đội tntp Hồ Chí Minh
- Ngày 19/5/1890: Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Ngày 19/5/1941: Kỷ niệm Ngày thành lập mặt trận Việt Minh
* Ngày Quốc tế lao động 1/5: Lịch sử và ý nghĩa
Ngày Quốc tế lao động, ngày hội của những người lao động toàn thế giới, được tổ chức vào 01/5 hàng năm.
Trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ tháng 9/1866 vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh- nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.
Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.
Tháng 4/1884 tại thành phố công nghiệp lớn Si-ca-gô, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 01/5/1886 ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ.
Ngày 01/5/1886, công nhân toàn thành phố Si-ca-gô tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mittinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cùng ngày đó, các Trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở một số nơi như Niu-Oóc, Pi-Xbớc, Ban-ti-mo, Oa-sinh-tơn… có khoảng 12 vạn rưỡi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân. Ở nhiều nơi cảnh sát đã đàn áp các cuộc biểu tình, đặc biệt ở thành phố Si-ca-gô cảnh sát đã tàn sát đẫm máu cuộc đấu tranh, làm hơn một trăm người chết, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình.
Mặc dù cuộc bãi công ở Si-ca-gô bị trấn áp, nhưng khí phách anh hùng của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Si-ca-gô. Vì thế tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14/7/1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 01/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
Ngày 01/5 ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 01/5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 01/5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh ngày 01/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930- 1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mittinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5 đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.
Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.
Ngày nay, ngày Quốc tế lao động là ngày hội của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
07/5/1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi phía Bắc. Đây là một căn cứ quân sự rất thuận lợi. Thực dân Pháp đã lấy căn cứ này chiến lược cơ động.
Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953 – 1954, lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, chúng bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lương ở ngay giữa Mườn Thanh. Sau 5 ngày chiến đấu ta đã tiêu diệt gọn 2 cứ điểm kiên cố vào bậc nhất là Him Lam va Độc Lập, sau đó làm tan rã thêm 1 tiểu đoàn địch và tiêu diệt tiểu đoàn Bản Kéo, ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, 26 máy bay bị phá huỷ, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
17h30’ ngày 30/4/1954, ta mở đợt tấn công thứ 2. Cuộc chiến trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Hai bên giằng co từng tất đất. Đến ngày 4/4 mỗi bên chiếm giữ 1 nửa đồi A1.
Đánh vào khu Đông ta diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các cao điểm. Quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ chi viện cho thực dân Pháp gần 100 máy bay oanh tạc chiến đấu và gần 50 máy bay vận tải đồng thời tổ chức diễn tập “đổ bộ ào ạt vào Đông Dương”.
Đêm 01/5/1954 ta mở đợt tấn công thứ 3, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại phía Đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của địch. Đêm 03/5/1954, bộ đội ta chỉ cách sở chỉ huy của địch 300m.
17h30’ ngày 07/5/1954 , những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch. Tướng Đờ-cat-tơ-ri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống. Gần 1 vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm xin hàng. Đêm đó ta tấn công bắt sống toàn bộ quân địch ở phân khu Nam.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).
15/5/1941: Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
Từ năm 1925, sau khi sáng lập ra Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội - tiền thân của Đảng, Bác Hồ đã chỉ thị về nước, lựa chọn một số thanh niên ưu tú đưa ra nước ngoài đào tạo. Trong số 8 thanh thiếu niên lúc đó được Bác Hồ đích thân dạy dỗ có Lý Tự Trọng. Sau này anh đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng. Khi sáng lập ra tổ chức Đoàn, Đảng đã giao trách nhiệm lịch sử cho Đoàn trực tiếp phụ trách chỉ đạo các tổ chức thiếu niên, nhi đồng.
Nghị quyết đại hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần I (Tháng 01/1935) ghi rõ: “Đoàn phụ trách tổ chức Hồng nhi đoàn, chỗ nào có chi bộ, Đoàn phải lập ra Hồng nhi đoàn, những đoàn viên dưới 16 tuổi nhất luận phải đưa qua Hồng nhi đoàn”.
Ngày 08/02/1941 sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941 hội nghị Ban chấp hành Trung Ương Đảng lần thứ 8 đã họp và ra nghị quyết quan trọng đến vận mệnh nước nhà. Hội nghị đã chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh bao gồm nhiều tổ chức yêu nước.
Ngày 15/5/1942, theo chỉ đạo của Đảng, tổ chức Đội Thiếu Niên Tiền Phong và Đội Nhi Đồng cứu quốc đã được thành lập tại vùng Pắc Pó (Cao Bằng) do Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc (nay là Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh) trực tiếp phụ trách. Ngày 15/5/1941 đã được ban chấp hành Trung Ương Đảng đồng ý lấy ngày chính thức thành lập Đội.
Từ ngày thành lập đến nay, Đội đã qua nhiều lần đổi tên. Sự kiện đổi tên có ý nghĩa nhất là sau khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh qua đời, thiếu nhi cả nước, ban chấp hành Trung Ương Đảng trong phiên họp ngày 30/1/1970 đã cho phép Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên được mang tên Bác.
19/5/1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh khác (19/5/1890 - 02/9/1969), là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc; người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc thế kỉ 20; danh nhân văn hoá thế giới. Quê Người ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trong thời kì phong trào cứu nước sôi nổi và học trường Quốc học Huế, rồi làm giáo viên tiểu học.
Tháng 6/1911, Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp tàu buôn đô đốc Latusơ Tơrêvin (Latouche Tréville) của Pháp, rời Việt Nam tìm đường cứu nước, qua Pháp, Hoa Kì, Anh; cuối 1917, trở lại Pháp; gia nhập Đảng Xã hội Pháp (1919). Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, với tên Nguyễn Ái Quốc, gửi đến Hội nghị Vecxay (Versailles) bản Yêu sách đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân dân Việt Nam (1919). Năm 1920, tại Đại hội Tua (Tours) của Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Tham gia thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa (1921); xuất bản báo “Le Paria” “Người cùng khổ” ở Pháp (1922). Năm 1923, được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản; cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Năm 1925, tại Trung Quốc, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức; thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu với tổ chức nòng cốt là Cộng sản đoàn, đào tạo cán bộ và truyền bá chủ nghĩa Mac - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; xuất bản tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), báo “Thanh niên” (1926), “Đường kách mệnh”(1927).
Đầu 1930, chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định chính cương, điều lệ, sách lược vắn tắt của Đảng. Tháng 6.1931, bị đế quốc Anh bắt giam tại Hồng Kông (Hong Kong), được trả lại tự do (1933). Mùa xuân 1934, sang Liên Xô, vào học Trường Đại học Lênin, rồi làm nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề Dân tộc và Thuộc địa của Quốc tế Cộng sản tại Matxcơva. Năm 1935, tham gia Đại hội VII Quốc tế cộng sản với tư cách đại biểu tư vấn. Tháng 9.1938, rời Viện Nghiên cứu các vấn đề Dân tộc và Thuộc địa để về nước.
Ngày 28/1/1941, Hồ Chí Minh về Cao Bằng; chủ trì Hội nghị VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5/1941) - hội nghị quyết định đường lối giải phóng dân tộc Việt Nam, thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (tức Mặt trận Việt Minh). Năm 1942, bị chính quyền của Tưởng Giới Thạch bắt giam ở nhiều nhà tù của tỉnh Quảng Tây; trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh đã viết tập thơ “Nhật kí trong tù”. Lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (12/1944), xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng (13 – 15/8/1945) và Đại hội Quốc dân Tân Trào (16 – 17/8/1945) tại Sơn Dương, Tuyên Quang, quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; được Đại hội Quốc dân bầu làm chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà).
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đại biểu Quốc hội khoá I, II, III và được Quốc hội liên tục bầu làm chủ tịch nước (3/1946 – 9/1969). Từ 2/1951 đến 9/1969, chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khoá II, III).
Hồ Chí Minh là linh hồn của cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, Kháng chiến chống Mĩ cứu nước và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các tác phẩm, các bài viết được in thành bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” (gồm 12 tập). Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mac - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc gắn liền với đoàn kết quốc tế; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.
Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo, lòng yêu dân thắm thiết, gắn bó với nhân dân; về tinh thần đoàn kết, về đạo đức giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, nhà tư tưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam; là một vĩ nhân được UNESCO phong danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn”. Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là “Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỉ nguyên độc lập tự do của Tổ quốc, kỉ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của dân tộc ta./.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thành đoàn - Hội LHTN thăm các THT, HTX mô hình kinh tế Trong năm 2024, Thành đoàn Tam Kỳ đã có nhiều hoạt động thiết thực đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là vận động thành lập,...