Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 5 Năm 2022

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 5 Năm 2022

Số kí hiệu Tài Liệu
Ngày ban hành 02/05/2022
Ngày bắt đầu hiệu lực 02/05/2022
Thể loại Công văn
Lĩnh vực Giáo dục
Cơ quan ban hành Khác
Người ký Khác

Nội dung

I. THEO DÒNG LỊCH SỬ
– Ngày 01/5/1886: Ngày Quốc tế Lao động.
– Ngày 07/5/1954: Kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ.
– Ngày 09/5/1945: Kỷ niệm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa Phát-xít.
– Ngày 15/5/1941: Kỷ niệm Ngày Thành lập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
– Ngày 19/5/1890: Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Ngày 19/5/1941: Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh.
– Ngày 31/5: Ngày Thế giới không thuốc lá.
 

t5 1
 
t5 2
 
t5 3

t5 4
 
t5 5


II. KỶ NIỆM 68 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 – 07/5/2022)
Chiến thắng Điện Biên Phủ – Kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta và là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

“Kế hoạch Nava” – Âm mưu thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự
 
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Hồ Chủ tịch và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn thể nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng.

Bằng tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Vùng giải phóng không ngừng được mở rộng, chính quyền nhân dân được củng cố. Sau hơn 7 năm kháng chiến, ta càng đánh càng mạnh, còn thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động.
 
Từ năm 1953, tình hình chiến trường Đông Dương có nhiều thay đổi bất lợi cho thực dân Pháp. Lợi dụng lúc thực dân Pháp gặp khó khăn, Mỹ đã tìm cách nhảy vào Việt Nam, tăng cường viện trợ.

Tháng 7/1953 “Kế hoạch Nava” được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua hòng “tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự” trong vòng 18 tháng. Điểm mấu chốt của kế hoạch là tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ, lúc cao điểm lên đến 44 tiểu đoàn, nhằm giành lại sự chủ động chiến lược xoay chuyển tình thế trên chiến trường Đông Dương, thực hiện đòn tiến công mang tính quyết định khi có điều kiện. Được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Xóa sổ Tập đoàn cứ điểm “bất khả chiến bại”
 
Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến “Đánh nhanh thắng nhanh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là một chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng. Người căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Mặt trận: “Trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”.
 
Với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy phương án “Đánh nhanh thắng nhanh” mang nhiều yếu tố chủ quan, không đánh giá đúng tình hình thực lực của hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Cuối cùng, Đại tướng quyết định dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”.
 
Ngày 17/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Piroth, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã dùng lựu đạn tự sát vì bất lực trước pháo binh của ta.
 
Ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tiến công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ hai, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
 
t5 6
 
Ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tấn công, phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
 
Như vậy, sau nhiều tháng nỗ lực chuẩn bị Chiến dịch và trải qua 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xem là “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta đánh bại.

Vững bước trên hành trình mới
 
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, đó “là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”; là bản anh hùng ca bất tử của cuộc chiến tranh nhân dân, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
 
Người chỉ rõ: Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một một nước thực dân hùng mạnh. Đó là, một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi vẻ vang của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào năm 1975. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
 
68 năm đã trôi qua kể từ ngày lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Kể từ chiến thắng “chấn động địa cầu, lẫy lừng năm châu”, đất nước qua bao biến cố lịch sử, vỹ tuyến 17 đã không còn là giới tuyến chia đôi bờ Nam, đất Bắc. Và sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: giữ vững ổn định chính trị – xã hội, thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc và chế độ Xã hội chủ nghĩa. Vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được nâng cao.
 
Dân tộc Việt Nam đang tiếp tục đi lên trên những hành trình mới. Nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch lịch sử này sẽ mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Mốc son đó trở thành bài học kinh nghiệm mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, đang được chắt lọc và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, tiến lên thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

III. KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ PHAN ĐĂNG LƯU (5/5/1902 – 5/5/2022)
t5 7

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
 
Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và truyền thống yêu nước quê hương cách mạng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước. Tháng 7-1925, đồng chí gia nhập Hội Phục Việt – tổ chức tiền thân của Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1927, đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương và có nhiều cống hiến trong việc định hướng phát triển Tân Việt Cách mạng Đảng theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 5-1925.
 
Tháng 9-1929, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử sang Quảng Châu lần thứ hai, nhưng bị mật thám bắt giam tại Nhà lao Vinh và bị đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản. Giữa năm 1936, sau gần 7 năm bị giam cầm, đồng chí được ân xá trở về quê, rồi trở vào Thừa Thiên Huế hoạt động. Đồng chí được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ. Trong quá trình hoạt động ở Huế, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng Trung Kỳ giành được nhiều thắng lợi.
Tháng 9-1937, đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cuối năm 1939, đồng chí được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Cùng với Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.
 
Trong nửa đầu năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt. Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại một mình đồng chí Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta. Tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy được tổ chức tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Hội nghị đã tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời đề ra phương hướng tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa giành lại non sông đất nước khi thời cơ xuất hiện. Thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy tạo tiền đề đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi có vai trò cực kỳ to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu. Có thể nói, đây là đóng góp quan trọng nhất của đồng chí đối với Đảng ta và cách mạng Việt Nam.
 
Ngày 22-11-1940, khi vừa về tới Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương thì đồng chí bị mật thám Pháp bắt, sau đó bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
 
Cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi. Ở đồng chí luôn có niềm tin tuyệt đối với Đảng, niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ở đồng chí, lòng yêu nước và tình thương yêu Nhân dân thống nhất với nhau. Lòng yêu nước xuất phát từ lòng thương yêu những con người nghèo khổ, cơ hàn và tâm niệm cứu Nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí luôn đặt công tác đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cho Đảng lên hàng đầu. Với học vấn sâu rộng, đức tính khiêm tốn, đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống giản dị, đồng chí Phan Đăng Lưu có uy tín lớn và nhận được sự quý trọng của các bậc trí thức, nhân sĩ dân chủ. Ở đồng chí, tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư luôn thống nhất và là sự biểu hiện toàn diện, cụ thể của tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân.
 
Nhắc đến đồng chí Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.
 
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5-5-1902 – 5-5-2022) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các cán bộ tiền bối tiêu biểu để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu, chúng ta nguyện noi gương đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương

IV. NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 5/2022

Thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi nội dung phim vi phạm quy định cấm
 
Có hiệu lực từ ngày 10/5/2022, Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/2022 bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
 
Trong đó, Nghị định bổ sung quy định: Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.

Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên
 
Tại Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, có hiệu lực từ ngày 19/5/2022, tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV.

Từ ngày 21/5 có thể đăng ký xe máy tại công an xã, xe ô tô tại công an huyện
 
Có hiệu lực từ ngày 21/5/2022, Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
 
Trong đó, Thông tư 15 (sửa đổi khoản 6 Điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA) trao quyền cho công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) cho cá nhân, tổ chức.
 
Theo đó, công an cấp xã đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình; tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.
 
Lưu ý, chỉ những xã trong ba năm liền kề gần nhất có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong một năm, thì công an xã sẽ được thực hiện đăng ký và cấp biển số xe.
 
Cũng theo Thông tư 15/2022/TT-BCA, công an cấp huyện sẽ đăng ký, cấp biển số xe ô tô cho tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú trên địa phương mình; trừ:
 
– Xe ô tô của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng CSGT đặt trụ sở.
 
– Xe ô tô của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và xe ô tô của người nước ngoài làm việc trong cơ quan đó; xe ô tô của các cơ quan, tổ chức quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 58/2020/TT-BCA.

Phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ đến 3 triệu đồng
 
Theo Thông tư 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, có hiệu lực từ ngày 01/5/2022, hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số tối đa 3 triệu đồng/bà mẹ.

Tăng mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân xuất ngũ
 
Thông tư 22/2022/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực từ ngày 16/5/2022.
 
Thông tư nêu rõ, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 12 năm 2021 đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg; quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.
 
Mức trợ cấp hằng tháng của các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng; từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng; từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng; từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng; từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số
 
Thông tư 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2022.
 
Trong đó, về hỗ trợ chuyển đổi nghề, trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ 1 lần chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác. Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Quy trình, phương thức hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.
Nguồn: chinhphu.vn

 

 File đính kèm

Các văn bản cùng thể loại "Công văn"

Giới thiệu chung

Thông tin cán bộ thường trực

1. Đ/c Nguyễn Thị Ly:  Bí thư - Chủ tịch Hội LHTNVN thành phố - Điện thoại: 0905 789 725 2. Đ/c Lương Thị Nhẫn - Phó Bí thư Thành đoàn - Điện thoại: 0389937329 3. Đ/c Trương Đức Long: Ủy viên Ban thường vụ  - Điện thoại: 0362 385 447 4. Đ/c Nguyễn Thị Thúy: Ủy viên Ban thường...

ytst
Văn bản pháp quy

02

Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 02.2023

Thời gian đăng: 01/02/2023

lượt xem: 705 | lượt tải:239

01

Tài liệu Sinh hoạt Chi đoàn tháng 01.2023

Thời gian đăng: 01/02/2023

lượt xem: 725 | lượt tải:264

Tài liệu

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 10 Năm 2022

Thời gian đăng: 05/10/2022

lượt xem: 980 | lượt tải:233

Tài liệu

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 9 Năm 2022

Thời gian đăng: 04/10/2022

lượt xem: 890 | lượt tải:243

Tài Liệu

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 8 Năm 2022

Thời gian đăng: 04/10/2022

lượt xem: 726 | lượt tải:245
Di chúc Bác
Học tập
học nghề
viec lam
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập31
  • Hôm nay2,979
  • Tháng hiện tại107,118
  • Tổng lượt truy cập5,495,071
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây