Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 10 Năm 2022
Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 10 Năm 2022
Nội dung
I. THEO DÒNG LỊCH SỬ
- Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10)
- Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10)
- Ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10)
- Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)
- Ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10)
- Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10)
- Ngày quốc tế bất bạo động (2/10)
- Ngày Nhà giáo Thế giới (5/10)
I. KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM
iii. học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ chí minh: CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH NÓI VỀ THANH NIÊN
Chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng nằm trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Học giả người Ấn Độ Mô-ham-mat I-xman Mat-Sua đã từng nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ duy nhất luôn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ và đánh giá cao vai trò của thanh niên trong sự nghiệp dây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Về vai trò, vị trí của thanh niên Trong các bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cập đến vai trò, vị trí của thế hệ trẻ đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Theo người, thế hệ trẻ là một lực lượng hùng hậu bao gồm thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong đó thanh niên có vai trò quan trọng nhất. Xuất phát từ nhận thức đó nên trong quá trình hoạt động, Người đã tích cực tổ chức huấn luyện, phát triển lực lượng thanh niên cách mạng của nước nhà. Tháng 7 năm 1924, Hồ Chí Minh tham gia lãnh đạo Đại hội quốc tế thanh niên lần thứ IV và cũng là đồng tác giả của “Bản luận cương về thanh niên thuộc địa”. Một trong những cái mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam đó là sự ra đời của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do người sáng lập vào tháng 6-1925. Thông qua tổ chức các lớp học, Người đã trực tiếp thuyết giảng, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ thanh niên về lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác – Lênin, con đường giải phóng dân tộc…
Ra đi tìm đường cứu nước lúc còn trẻ và những năm tháng bôn ba ở nước ngoài đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh có được cách nhìn nhận toàn diện về vai trò của thanh niên. Người viết: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Người cũng khẳng định, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, là “lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.
Người cho rằng, để hoàn thành sứ mệnh “Người chủ tương lai của nước nhà” thanh niên phải “làm đầu tàu, xung phong gương mẫu”, phải “tiên phong” đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả thì thanh niên phải làm cho tốt. Bởi vì, theo Người thì chỉ có tuổi trẻ mới đủ điều kiện về sức khỏe, khả năng xử lý các tình huống khó khăn trong điều kiện lao động phức tạp. Người nói thêm, dưới sự dìu dắt của Đảng, thanh niên phải tự thân vận động, phải “biết lo toan, gánh vác, không ỷ lại”; thường xuyên sáng tạo và đổi mới trong suy nghĩ và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh và cống hiến vì mục tiêu chung của đất nước. Muốn vậy, thế hệ trẻ phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và học tập để làm người và phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Thanh niên không chỉ “học văn hóa, chính trị kỹ thuật” mà còn phải học cả “lý luận Mác – Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”. Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường (tháng 9 năm 1945), Người đã gửi trọn niềm tin yêu và trách nhiệm đối với thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Để phát huy tối đa sức mạnh, tính “tiên phong” của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tổ chức Đoàn và Hội liên hiệp thanh niên cần phải tập hợp rộng rãi các đối tượng thanh niên trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc hiện thực hóa các “chủ trương và chính sách cách mạng”. Bởi vì theo Người: “Đoàn thanh niên là cánh tay và đội hậu bị của Đảng, là người phụ trách dìu dắt các cháu nhi đồng”. Để tập hợp, giáo dục thanh niên có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cán bộ làm công tác Đoàn và thanh niên “phải củng cố tổ chức Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ”, đồng thời “Đoàn phải nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc”. Về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Chính vì đề cao vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng đất nước nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm có tầm quan trọng đối với Đảng. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc đi xa, Người đã viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Theo người, thanh niên đóng vai trò là lực hùng hậu, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Do đó, Đảng cần phải thường xuyên quan tâm, dẫn đường, chỉ lối để thanh niên có thể thực hiện sứ mệnh “xung phong” của mình. Những nội dung chủ yếu trong công tác chăm lo, bồi dưỡng thế hệ kế cận cho cách mạng nước nhà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là:
Thứ nhất, cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Theo Người, thanh niên muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, muốn làm được những việc lớn thì trước hết phải được giáo dục một cách đầy đủ về phẩm chất đạo đức, về bản lĩnh và ý chí cách mạng. Thông qua giáo dục, rèn luyện để hình thành những lớp thanh niên yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu xã hội chủ nghĩa, yêu lao động, yêu khoa học và yêu kỷ luật.
Thứ hai, phải chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Thanh niên phải được giáo dục toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tri thức khoa học, chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu lên mối quan hệ biện chứng giữa hai yếu tố “hồng” và “chuyên” trong đó nhấn mạnh phải coi “hồng” là gốc của việc giáo dục thanh niên. Chiến lược đào tạo thế hệ trẻ được Người diễn đạt một cách giản dị, dễ hiểu nhưng rất sâu sắc: “phải uốn cây từ lúc cây non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân”.
Thứ ba, cần phải chăm lo sự nghiệp “trồng người” để không ngừng bồi dưỡng, tăng cường thế hệ cách mạng cho đời sau. Người nói, vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Theo quan điểm của Người, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Đó là những lớp thanh niên vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, là người có thể đảm đương nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm tốt sự nghiệp “trồng người”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến hai vấn đề: Một là, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và thế hệ đi trước (bao gồm cán bộ, các bậc ông bà, cha mẹ, anh chị…) phải thường xuyên quan tâm chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho thế hệ trẻ, giúp họ phát triển toàn diện về chính trị, đạo đức, văn hóa, quân sự, khoa học, kỹ thuật, cả về thể chất và tâm hồn. Riêng đối với đội ngũ thầy cô giáo làm công tác giáo dục, Người đặc biệt nhấn mạnh: trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy học là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà; Hai là, mỗi một đoàn viên, thanh niên phải có tinh thần cầu tiến bộ, chủ động, sáng tạo và không ngừng vươn lên trong học tập, rèn luyện, phải hết sức nỗ lực dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, phải lấy việc lập thân lập nghiệp phục vụ đất nước làm mục tiêu phấn đấu. Người cũng cho rằng, nếu biết kết hợp và thực hiện có hiệu quả cả hai vấn đề trên sẽ góp phần làm tốt công tác chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục thanh niên hiện nay Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên cũng như việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là nhiệm vụ quan trọng, Đảng ta đã đề ra nhiều chính sách nhằm phát huy cao độ vai trò của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. Đặc biệt, trước yêu cầu quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhằm bồi dưỡng và phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong tình hình mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ra Nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tiếp đó, để cụ thể hóa thêm một bước về công tác đào tạo, bồi dưỡng thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 của nước ta vừa mới ban hành (30-12-2011) cũng đã nêu rõ mục tiêu: Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để các chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi cho rằng tổ chức Đoàn cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, không ngừng đổi mới công tác giáo dục lý tưởng cho thanh niên trong đó chú trọng đến việc đổi mới nội dung, hình thức, giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng thanh niên. Các hình thức giáo dục cần phải sinh động, gần gũi với thanh niên, trong đó cần quan tâm nhiều hơn đến đối tượng thanh niên tự do, thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thanh niên chậm tiến, mắc các tệ nạn xã hội, thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các hoạt động giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức công dân cho thanh niên phải gắn với việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động tình nguyện cộng đồng nhằm phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt huyết tuổi trẻ.
Hai là, việc chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ phải được thực hiện thường xuyên thông qua tổ chức học tập các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, qua đó nâng cao nhận thức và hành động của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Ba là, việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng phải trên cơ sở đảm bảo đồng bộ và thống nhất giữa hoạt động giáo dục của các chủ thể, các lực lượng giáo dục, trong đó hoạt động giáo dục trong nhà trường và của Đoàn thanh niên phải phù hợp với tâm lý, đời sống giới trẻ, phải coi trọng phát huy dân chủ, phát huy năng lực, trí tuệ, tính sáng tạo của thanh niên.
Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập trong đoàn viên thanh niên, xây dựng xã hội học tập với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học; triển khai có kết quả phong trào sáng tạo trẻ trong các đối tượng thanh niên nhằm phát huy trí tuệ, lòng say mê và khả năng sáng tạo của tuổi trẻ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào phục vụ sản xuất và đời.
IV. NHỮNG CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 10
Đăng thông tin xấu độc trên môi trường mạng bị buộc xóa bỏ
Nghị định 53/2022 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/10, hướng dẫn chi tiết một số Điều của Luật An ninh mạng. Nghị định nêu rõ các trường hợp bị áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Đó là thông tin xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, gây rối trật tự công cộng; thông tin có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội; nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những thông tin xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; nội dung về hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội cũng được liệt vào dạng thông tin cần xóa bỏ trên môi trường mạng. Bộ trưởng Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.
Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin.
Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm ô tô
Có hiệu lực từ ngày 8/10/2022, Thông tư số 55/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới.
Thông tư 55 quy định biểu giá dịch vụ đăng kiểm xe ô tô các loại được điều chỉnh tăng 10.000 đồng/xe so với hiện nay. Cụ thể, xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: Mức giá tăng từ 560.000 đồng/xe lên 570.000 đồng/xe.
Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: tăng từ 350.000 đồng/xe lên 360.000 đồng/xe… Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe), mức giá sẽ là 290.000 đồng/xe thay cho mức 280.000 đồng/xe hiện nay. Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương, mức giá sẽ là 250.000 đồng/xe thay cho mức 240.000 đồng/xe hiện nay.
Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử
Theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực từ ngày 20/10/2022, chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Tài khoản định danh điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử. Có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học: ảnh chân dung; vân tay.
Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.
File đính kèm
Các văn bản cùng thể loại "Công văn"