Việc xem thường, lười học tập nghị quyết của Đảng nói riêng, lý luận chính trị nói chung là một trong những biểu hiện suy thoái rất nguy hiểm.
Trong cuốn sách Làm gì?, Lênin khẳng định “không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động...”. Bác Hồ cũng đã chỉ ra rằng “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”, "Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam".
Chính vì vậy, Bác yêu cầu: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã chỉ ra trong cán bộ, đảng viên có biểu hiện: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Do đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác, thực hiện không đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, dẫn đến vi phạm nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Bởi vậy, Đảng ta khẳng định học tập lý luận là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Kết quả học tập lý luận chính trị là một trong những tiêu chuẩn để xem xét, đánh giá, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, đánh giá tư cách đảng viên. Đồng thời yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ. Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới, cũng là biểu hiện của sự suy thoái.
Như vậy, việc xem thường, lười học tập nghị quyết của Đảng nói riêng, lý luận chính trị nói chung là một trong những biểu hiện suy thoái rất nguy hiểm. Nó làm cho cán bộ, đảng viên không nắm được đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghị quyết của Đảng dù rất đúng đắn nhưng chậm được triển khai, cụ thể hóa trong đời sống xã hội. Thậm chí có những trường hợp, cán bộ, đảng viên làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Cũng do lười học tập lý luận chính trị, không nắm chắc, hiểu sâu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng nên cán bộ, đảng viên không thể tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện. Có những cán bộ, đảng viên thiếu kiến thức lý luận chính trị, khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch và phần tử bất mãn, tỏ ra lúng túng, thiếu lý lẽ để nhận thức, đấu tranh cho đúng.
Cho nên, giáo dục lý luận chính trị là một nhiệm vụ trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng, nhằm bồi dưỡng về lý luận chính trị, truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng và quản lý Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Trong mọi giai đoạn cách mạng, việc coi trọng lý luận và học tập lý luận chính trị giúp cán bộ, đảng viên giữ vững bản lĩnh chính trị; củng cố, tăng cường niềm tin vào tương lai của cách mạng, lý tưởng cộng sản; làm cho cán bộ, đảng viên tự tin hơn trong công tác; là cơ sở để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tác giả: Đặng Đình Chiến